Đại học Huế:
Ngành Luật Huế góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 16/11 tại Khoa Luật (Đại học Huế) đã diễn ra Hội thảo Khoa học “Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Hiến pháp 2013” thu hút sự quan tâm lớn của giới chuyên môn ngành luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng có ý nghĩa lịch sử, mở ra một thời kỳ mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Vì vậy, những định hướng cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp 2013 trong thời gian tới nhằm tiếp tục tạo nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc là hết sức cấp bách, cần thiết.
Trên tinh thần trên, Hội thảo khoa học “Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Hiến pháp 2013” do Khoa Luật (Đại học Huế) đã tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau: Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Xây dựng và hoàn thiện về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và pháp luật về hội nhập quốc tế.
Hơn 50 bài viết trong tập kỷ yếu đã nêu ra được những vấn đề thời sự với việc cần hoàn thiện pháp luật với 4 nhóm: Hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực hành chính, Nhà nước hình sự, tố tụng hình sự; Hình sự - tố tụng hình sự; Dân sự; Kinh tế quốc tế.
Những báo cáo đáng chú ý như “Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam hiện nay” – Th.s. Nguyễn Thị Hoài Phương; “Bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự theo Hiến pháp 2013” – Th.s. Nguyễn Thị Thúy Hằng; “Giới hạn quyền tự do hợp đồng nhìn dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh” – GV. Mai Xuân Hợi; “Hoàn thiện một số quy định trong phần chung của Luật Hình sự” – Th.s. Nguyễn Thị Bình…
Theo TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Khoa trưởng Khoa Luật: “Qua hội thảo có thể thấy, không thể nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngành Luật như một hiện tượng đơn lập, tách rời bối cảnh, viễn cảnh kinh tế - xã hội; không thể chỉ sử dụng một vài thao tác, phương pháp của chuyên ngành hẹp mà phải phối hợp với các phương pháp liên ngành. Chúng ta phải tiếp cận những lý thuyết mới, cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngành Luật học. Đặc biệt là vấn đề tự học, tự nghiên cứu của sinh viên – xu hướng chung của thời đại”.
Đại Dương