Nên có thang điểm khi bỏ phiếu tín nhiệm
Sáng 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tách bạch việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm để việc bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực chất, tránh dàn trải, QH nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh.
HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND; trưởng các ban của HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của ủy ban.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là hoàn toàn cần thiết, bỏ phiếu không chỉ để các cơ quan chức năng đánh giá mà là dịp để các đại biểu tự đánh giá mình, nếu được tín nhiệm cao sẽ là sự khích lệ lớn.
Tuy nhiên, trong cách thức thực hiện cần tính toán kỹ để tránh trùng lắp. Trước mắt, nên tổng kết kết quả thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã bầu.
Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, các mức như dự thảo đề cập gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp nên nhiều ý kiến cho rằng còn chung chung, nên có thang điểm với những tiêu chí cụ thể để việc đánh giá khách quan hơn và tránh thiệt thòi cho người được bỏ phiếu.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội đề nghị, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cần được thông báo công khai, nhằm bảo đảm sự khách quan, dân chủ.
Về thời gian bỏ phiếu tín nhiệm, một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức mỗi năm một lần như dự thảo là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình.
Hơn nữa, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra thường xuyên, sẽ dễ tạo tâm lý dĩ hòa vi quý, e ngại đổi mới để được lòng số đông.
Theo Nguyễn Tú
Tiền Phong