Nan giải xử lý 15.000 tỷ đồng vay nợ làm nông thôn mới

(Dân trí) - Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sáng 5/10, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội chưa kịp vui với những thành tích ghi nhận đã phải đau đầu với câu hỏi, làm sao giải quyết hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng phát sinh dù yêu cầu đặt ra là phải xử lý dứt điểm khoản này trong năm 2017.

Nơi có phong trào dẫn đầu là nơi nợ nhiều nhất

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo với UB Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Đoàn giám sát ghi nhận kết quả, đến ngày 31/12/2015, cả nước có hơn 1.500 xã (chiếm hơn 17% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới) và đến tháng 3/2016, có 1.761 xã (chiếm 19,7%).

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sau quá trình giám sát.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sau quá trình giám sát.

Đáng chú ý là những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này, trong đó có vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Đây cũng là nội dung Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh khi báo cáo thêm trước Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, đoàn giám sát đánh giá, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp, 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ, Thanh Hóa 1.547 tỷ, Thái Bình 1.232 tỷ, Vĩnh Phúc 919 tỷ, Nghệ An 887 tỷ, Hải Dương 879 tỷ, Ninh Bình 770 tỷ, Hà Nam 757 tỷ…

Báo cáo giám sát còn nêu rõ, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Trường hợp được nhắc tới cụ thể là huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu với mức nợ xây dựng cơ bản 397 tỷ đồng.

Đoàn giám sát phân tích, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước.

2 vùng này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước.

“Mặc dù, số nợ đọng này chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng để lại hậu quả xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới” – báo cáo giám sát viết.

Đoàn giám sát đề nghị rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn.

Đoàn giám sát cũng gợi ý không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận.

Biện pháp mạnh hơn, cơ quan giám sát đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Chạy đua” làm đường, xây nhà văn hoá thành ra vay nợ chồng chất

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nói về hiện tượng chạy đua làm đường, nhà văn hoá để được công nhận nông thôn mới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nói về hiện tượng chạy đua làm đường, nhà văn hoá để được công nhận nông thôn mới.

Vấn đề khác được đề cập là hiện tượng các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số địa phương chưa gắn kết với việc ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Theo báo cáo giám sát, vệ sinh môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường là tiêu chí đạt thấp nhất. Mặc dù, tiêu chí quy hoạch là tiêu chí đạt cao nhất trên phạm vi cả nước trong bộ 19 tiêu chí, tới 98,74% nhưng chất lượng và tính liên kết chưa đạt yêu cầu.

Thống nhất quan điểm này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu thêm, tới đây sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng nông thôn mới phải là hoạt động lâu dài, tổ chức dần cho phù hợp với thực tế. Vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao đời sống cho người nông dân phải là mục tiêu quan trọng nhất…

Bộ trưởng Cường cũng thông tin, các cơ quan Chính phủ đang thiết kết lại khung khổ 19 tiêu chí theo 2 nhóm tiêu chí “cứng” và “mềm”. Tiêu chí cứng là thu nhập của người dân, là chỉ tiêu về vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn xã hội… nhất quyết buộc các địa phương phải thực hiện được.

Còn các tiêu chí về hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… được xếp là tiêu chí “mềm”, sẽ giao các tỉnh thành ban hành để phù hợp với thực tế tình hình trên địa bàn.

Việc này, theo Bộ trưởng Nông nghiệp là “để khắc phục những hạn chế vừa qua, các địa phương hầu như chỉ tập trung “chạy đua” hoàn thiện thiết chế hạ tầng cứng, để làng xóm nhìn khang trang, cuối cùng thành ra vay nợ chồng chất mà đó không phải mục tiêu cuối cùng chúng ta hướng đến, khuyến khích”.

P.Thảo