Lãnh đạo cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng lại do Thủ tướng bổ nhiệm?
(Dân trí) - Đây là một vấn đề gây băn khoăn tại phiên thảo luận về dự thảo luật Cạnh tranh của UB Thường vụ Quốc hội chiều 13/3, khi lãnh đạo Quốc hội đặt vấn đề, dự thảo luật quy định uỷ viên UB cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm liệu có trái luật, khi đây là cơ quan lập ra để tham mưu cho Bộ trưởng Công Thương?
Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Thường trực UB Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngoài các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn quy định về tố tụng cạnh tranh.
Để cơ quan cạnh tranh có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng tố tụng cạnh tranh, cần được quy định rõ ràng trong luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh nhằm duy trì một cơ quan cạnh tranh đảm bảo tính độc lập, được thành lập và có đủ thẩm quyền theo luật định, hoạt động tuân theo pháp luật.
Nếu quy định cơ quan cạnh tranh chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất cơ quan quản lý cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công Thương) với Hội đồng cạnh tranh (do Chính phủ thành lập, các thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm) và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh thì địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh còn thấp hơn so với quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, khó bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thường trực UB này cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là UB Cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UB cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh.
Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên UB cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật.
Theo ông Thanh, những nội dung đó phải được quy định trong luật mới đảm bảo tính độc lập trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, việc quy định một cơ quan cạnh tranh là UB cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh,vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết, sẽ là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Việc này, một mặt, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội (như loại ý kiến thứ hai), phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, việc đó cũng để đảm bảo, ngay sau khi luật được ban hành, UB cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, quy định ủy viên UB cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm thì có trái Luật Tổ chức Chính phủ không?
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, quy định đó không trái với luật Tổ chức Chính phủ.
Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, UB Cạnh tranh có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương nhưng mà thành viên thì lại do Thủ tướng bổ nhiệm. Tham mưu cho Bộ trưởng mà Thủ tướng bổ nhiệm thì không hợp lý lắm, ông Bình nhận xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng vấn đề thẩm quyền bổ nhiệm ở đây cần bàn thêm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị bổ sung thêm quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước. Bởi hiện có hiện tượng chuyển độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của Quốc gia. Lấy ví dụ trong lĩnh vực điện lực, ông Tuấn cho rằng cơ chế hiện nay gây thiệt hại một năm không dưới 15.000 tỷ đồng. Ông Tuấn cũng cho rằng cần có thêm những quy định liên quan đến độc quyền tự nhiên của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói, những quy định ông Tuấn đề nghị đều đã được thể hiện tại chương 4 của dự thảo luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền.
P.Thảo