Kỷ niệm 80 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum
(Dân trí) - Sáng ngày 12/12, tại Khu Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (TP Kon Tum), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 80 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2011).
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; ghi dấu một chiến công oanh liệt, sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các bậc chiến sĩ cách mạng tiền bối, trong gông cùm, xiềng xích, không một vũ khí trong tay, đã đứng lên chống lại kẻ thù, chống lại chính sách áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và tay sai; với tinh thần “Thà chết một người để cứu muôn người!”.
Sáng ngày 12/12/1931, khi bọn thực dân tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pét để lao động mở đường 14 đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở lao ngoài (của Ngục Kon Tum). Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô vang các khẩu hiệu phản đối đi làm đường, phản đối chế độ thực dân cai trị… kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pét lần thứ hai. Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn Công sứ, Giám binh cùng nhiều binh lính kéo đến vây ráp, điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu tù nhân làm 8 người chết, 8 người bị thương.
Sau khi đàn áp đẫm máu tù chính trị ở lao ngoài, địch tiến hành bắt một số người không bị thương, còng tay áp tải lên Đăk Sút. Số còn lại, chúng dồn tất cả vào Lao trong (của Ngục Kon Tum). Tại Lao trong, với niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Những ngày tuyệt thực phản đối chính sách cai trị, cùng với bản Tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp được đưa ra.
Cuộc đấu tranh cứ thế tiếp diễn và tiếp diễn ngày một sục sôi. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết của tù chính trị, sáng ngày 16/12/1931 thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát làm 7 người hy sinh và 8 người bị thương.
Mặc dù bị kẻ thù tàn bạo, đàn áp dã man, song cuộc đấu tranh Lưu huyết với tinh thần quyết tử, chấp nhận hy sinh của những người tù chính trị vì mục tiêu cao cả “Chết để sống” đã thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Cộng sản trước họng súng kẻ thù; thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên, đấu tranh tìm đến chân lý độc lập tự do cho mọi người, cho dân tộc, cho Tổ quốc!
Đồng chí Hà Ban nhấn mạnh: 80 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước, vì lý tưởng của Đảng đã đi vào lịch sử, tạo nên một hình ảnh Nhà lao Kon Tum kiên cường, bất khuất, một biểu tượng về lòng yêu nước, một tinh thần quả cảm, kiên trung. Tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng tiền bối sẽ mãi là bản tráng ca bi hùng, đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Ngô Đức Hiếu, con trai cụ Ngô Đức Đệ thay mặt thân nhân gia đình, thay mặt thế hệ sau nối tiếp cha anh để xúng danh với những hy sinh mà các vị tiền bối để cho đất nước được độc lập ngày hôm nay!
Đại Hòa