Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi

(Dân trí) - Tối ngày 24/3, tại Quảng trường tỉnh, Tỉnh ủy – HĐND – UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng tỉnh với chủ đề "Âm vang mùa Xuân sông Trà".

Tham dự lễ kỷ niệm, có sự hiện diện ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Hòa Bình - Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Mai Văn Ninh - Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum...

Ngoài ra, tham dự lễ còn có ông Nam Vi Nhạ Kệt - Ủy viên Trung ương đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Atapeu; ông Amphat Souvanhseng - Lãnh sự, Tổng lãnh sự Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Đà Nẵng.

Tại buổi lễ kỷ niệm, ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ôn lại: “Đêm ngày 15 và rạng sáng ngày 16/3/1975, Quân giải phóng chính thức nổ súng, đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng điểm của địch. Tại vùng Đông Bình Sơn - Sơn Tịnh, ngay trong đêm, lực lượng vũ trang của huyện và du kích đã tiến công, tiêu diệt địch ở ấp Phú Nhuận - Tịnh Phong; phát động quần chúng nổi dậy, giành chính quyền. Các đội công tác và du kích áp sát, tạo thế trận uy hiếp, bao vây phía Đông Bắc thị xã Quảng Ngãi và phía Đông Chi khu quận lỵ Sơn Tịnh”.
Phục dựng không khí chiến tranh qua các tiết mục nghệ thuật.

Phục dựng không khí chiến tranh qua các tiết mục nghệ thuật.

Ở phía Tây Sơn Tịnh, đêm 15/3/1975, lực lượng vũ trang tổ chức tấn công, tiêu diệt chốt Đông Dương, Núi Đất; phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Thừa thắng xông lên, quân ta tiến về giải phóng một số vùng ven Quốc lộ 1; địch ở Hòn Dầu, núi Tròn tháo chạy. Vùng Tây Sơn Tịnh được giải phóng hoàn toàn, phía Tây Bắc thị xã Quảng Ngãi và quận lỵ Sơn Tịnh quân ta uy hiếp. Trước sự bao vây, tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng của quân giải phóng, đêm 16 rạng ngày 17/3, địch ở Sơn Hà tháo chạy. Ngày 18/3, địch ở Trà Bồng chạy về đồng bằng.

Sau 3 ngày đêm, ta đã tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch, giải phóng phía Tây và Đông huyện Bình Sơn, chia cắt đoạn Quốc lộ 1 từ Châu Ổ đi Dốc Sỏi, tạo thế bao vây, uy hiếp quận lị Bình Sơn. Trước thế tiến công dồn dập, quyết liệt của quân và dân ta trên các chiến trường ở miền Nam; tinh thần địch hoảng loạn cực độ, tháo chạy ra khỏi Tây Nguyên, Quảng Trị và nhiều nơi khác. Tình hình chung toàn miền Nam đã tạo điều kiện tốt cho quân và dân Quảng Ngãi tổng công kích và tiến lên giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn quê hương.

Ngày 23/3/1975, Tỉnh ủy ra Chỉ thị: “Đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh, đánh đổ toàn bộ địch, giải phóng vùng nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã; giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng toàn tỉnh”. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm cao trong khí thế tiến công và nổi dậy. Đêm 23/3/1975, khi phát hiện địch ở thị xã Quảng Ngãi bắt đầu tháo chạy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Lời kêu gọi và ban hành lệnh công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

Đúng 7 giờ 40 phút ngày 24/3/1975, quân ta bắt đầu bắn pháo vào tiểu khu, ga Ông Bố, Xóm Xiếc, chi khu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành; chiếm lĩnh, chia cắt các chốt, điểm và đoạn Quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Ngãi đi Chu Lai. Trước sức tấn công dồn dập như vũ bão của quân giải phóng, địch phải bỏ các cứ điểm rút chạy về thị xã Quảng Ngãi. Kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang, quần chúng Nhân dân các nơi trong tỉnh nổi dậy không chế các khu dồn; đến chiều 24/3/1975, tiểu đoàn 406 và lực lượng vũ trang huyện Tư Nghĩa đánh chiếm quận lỵ Tư Nghĩa. Địch ở thị xã, quận lỵ Sơn Tịnh hoang mang, rối loạn tháo chạy ra biển, nhưng bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đường ra cửa Cổ Luỹ, buộc chúng phải quay về thị xã tiếp tục tìm đường thoát thân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến trường ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của ta bên ngoài tiến vào thị xã ngay trong đêm 24/3/1975, phối hợp hành động với Nhân dân bên trong nổi dậy tiến hành giải phóng nhà lao, chiếm lĩnh các cơ quan của nguỵ quyền, kho tàng, các công sở của địch, kêu gọi binh lính địch ra hàng, nộp vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự. Như vậy, chỉ sau hơn 12 tiếng đồng hồ, với những trận đánh như vũ bão, quân và dân Quảng Ngãi đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền và ngụy quân của địch trong tỉnh và giành chính quyền về tay Nhân dân.
Không khí buổi lễ kỷ niệm.

Không khí buổi lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Từ sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, 40 năm qua Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ngãi đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn và thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh. Quê hương Quảng Ngãi nghèo khổ và thân thương trong thơ Tế Hanh, Bích Khê đã và đang thay da đổi thịt, ngày càng thêm khởi sắc”.

Sau chương trình lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật, với chủ đề “Âm vang mùa Xuân sông Trà” và màn bắn pháo hoa rực rỡ dưới cơn mưa rào như trút nước.

Hồng Long