Kiểm soát xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện nảy sinh tham nhũng
(Dân trí) - Xây dựng chế độ liêm chính, kiểm soát xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng, mở rộng phạm vi xử lý tham nhũng ngoài khu vực nhà nước… Đây là những điểm mới được đầu tư, dụng công thiết kế trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội lần đầu vào chiều qua, 20/9.
Hệ thống hoá quy định nhận quà tặng, điều cấm với công chức
Tờ trình của Chính phủ tập trung làm rõ sự cần thiết sửa đổi luật.
Theo cơ quan soạn thảo luật, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Những bất cập của luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Lần sửa đổi này, Chính phủ nêu quan điểm tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của Luật Phòng chống tham nhũng là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, không thể tham nhũng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
Trên cơ sở đó, luật đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã được quy định trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để tạo ra khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng.
Cơ quan soạn thảo cũng mở rộng từng bước, có chọn lọc về phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước nhằm chống sự thông đồng tham nhũng giữa khu vực công và khu vực tư, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người gửi tiền và các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện....
Một trong những điểm mới của dự thảo sửa đổi là nội dung xây dựng chế độ liêm chính. Quy định này được xây dựng trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích, tờ trình dự án luật nêu rõ, xuất phát từ tầm quan trọng của việc này trong phòng ngừa tham nhũng (loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng), dự thảo luật đã quy định thành một chế định riêng bao gồm các điều về khái niệm; trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo; thẩm quyền quy định và thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích.
Một nội dung quan trong khác trong lần sửa đổi luật này được nhấn mạnh trong tờ trình của Chính phủ là đối tượng kê khai tài sản, thu nhập có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3 đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công cũng nằm trong quy định này.
Thiếu quy định xử lý việc kê “gian” tài sản, thu nhập
Thẩm tra dự án luật, UB Tư pháp của Quốc hội đánh giá, dự thảo luật còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai… là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập.
Ngoài ra, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không đảm bảo được tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Về đối tượng phải kê khai, cơ quan thẩm tra nêu rõ, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Quan điểm của UB Tư pháp là trong điều kiện đó thì trước mắt nên giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.
Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập.
Về kiểm soát xung đột lợi ích, uỷ ban thẩm tra lo ngại một số quy định trong chưa đảm bảo tính cụ thể, chặt chẽ dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện.
Cụ thể, khái niệm về xung đột lợi ích được quy định tại của dự thảo luật là tình huống có thể mang lại “lợi ích không chính đáng” cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc người thân của họ nhưng lại không xác định rõ về khái niệm và không giới hạn về phạm vi, mức độ của “lợi ích không chính đáng” nên dễ dẫn đến việc thực hiện không thống nhất hoặc lạm dụng trong thực hiện.
Đồng thời, dự thảo luật quy định người có thẩm quyền khi nhận được thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích thì có thể áp dụng ngay các biện pháp kiểm soát về xung đột lợi ích như chuyển đổi vị trí công tác; chuyển người có xung đột lợi ích sang làm việc tại vị trí khác… mà không có các trình tự, thủ tục để xác minh tính chính xác của thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
Mặt khác, dự thảo cũng không có quy định để giải quyết trường hợp xử lý xung đột lợi ích không chính xác, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức.
Với việc sửa đổi bổ sung toàn diện, nhiều vấn đề mới, phức tạp, cơ quan thẩm tra đề nghị UB Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp Quốc hội thay vì 2 kỳ như dự kiến.
P.Thảo