“Không để lợi ích nhóm chi phối khi đánh giá tín nhiệm lãnh đạo”

(Dân trí) - “Đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm nên xuất phát từ lợi ích của người dân, xã hội, đừng để bị chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, cá nhân, gạch tên một người chỉ vì cái lợi riêng” – đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trao đổi trước giờ lấy phiếu tín nhiệm 48 lãnh đạo chủ chốt.

Không nhìn sự kiệt cá biệt để chụp mũ!

- Trước phiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, tại thời điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn trăn trở về việc làm sao để đánh giá được khách quan, chính xác hoạt động của tới gần 50 người đảm nhiệm những vị trí, công việc, lĩnh vực hết sức khác nhau. Ông sẽ sử dụng công cụ nào để “đo đếm”, đánh giá các lãnh đạo?

- Đánh giá một chức danh, tôi đối chiếu việc hoàn thành trách nhiệm của người đó với nhiệm vụ, lĩnh vực được giao phụ trách xem những biện pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành có đạt yêu cầu không, có đem lại chuyển biến tốt lên, cải thiện hơn cho tình hình không.

Kể cả là với những vấn đề tồn đọng từ hàng chục năm về trước của ngành nhưng từ lúc được giao phụ trách, người lãnh đạo có làm gì để cho thấy có sự đổi mới trong vấn đề đó không, nhìn vào đó có thể đánh giá. Chỉ là cái được thừa kế những dù gì, sau một vài năm nắm ngành, nếu tình hình vẫn không có gì hơn thì rõ ràng vị “tư lệnh” đó không đạt yêu cầu.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Quan chức càng cao càng phải minh bạch và công khai, chẳng những chỉ là công việc mà còn cả đời tư

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Quan chức càng cao càng phải minh bạch và công khai, chẳng những chỉ là công việc mà còn cả đời tư"

Như vậy, đánh giá công tâm, khách quan, theo tôi, là phải nhìn vào cả quá trình, đừng vì một số sự việc cá biệt mà chụp mũ. Thực tế là người phụ trách một ngành, lĩnh vực nào thì cũng khó tránh thiếu sót, vấp váp, khuyết điểm. Vậy thì cần nhìn nhận xem sự việc cá biệt xảy ra phản ánh trình độ, đạo đức, lối sống của người đó thế nào mà đánh giá.

Ngoài ra, người đại biểu cũng đừng để bị chi phối bởi lợi ích nhóm khi đánh giá một người phụ trách ngành, lĩnh vực thì mới đảm bảo sự công tâm.

- Ông nói đến chuyện tránh tình trạng lợi ích nhóm khi đánh giá tín nhiệm lãnh đạo, cụ thể lợi ích nhóm có thể chi phối đó là gì?

- Đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm thì nên xuất phát từ lợi ích của nhân dân, xã hội chứ đừng vì trong gia đình mình bị ảnh hưởng bởi một chính sách nào đó mà thành kiến với người lãnh đạo phụ trách lĩnh vực.

Gạch tên một cán bộ nào đó chỉ vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm, cục bộ thì rất không nên.

Tính “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp” khá trừu tượng

- Tiêu chí ưu tiên trong đánh giá tín nhiệm của ông?

- Việc lấy phiếu có cái khó là không có một bảng “chấm điểm”. Nếu xây dựng được một bảng điểm thì việc đánh giá cụ thể hơn việc tính “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp” khá trừu tượng như này, buộc các đại biểu Quốc hội phải thu thập thông tin để đưa ra đánh giá.

Tôi thấy có một điểm đáng quan tâm là khi đánh giá các chức danh cao cấp mà mỗi người đều phụ trách một lĩnh vực rất quan trọng của đất nước, người ta hay nghĩ ngay đến hình ảnh một “tư lệnh” ngành. Nhưng điều cần phải thấy là ngoài việc có trách nhiệm với ngành, lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình, cán bộ cấp đó còn phải có vai trò là chính trị gia.

Theo đó, mỗi chính sách, hành động, lời phát biểu của người đó cần phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Chịu trách nhiệm chính trị thì người đó cũng cần có ý thức trách nhiệm cao với chủ quyền đất nước. Rất nhiều trường hợp một Bộ trưởng phải làm việc với đối tác nước ngoài và quyết sách đưa ra đôi khi tác động không nhỏ tới vấn đề chủ quyền. Vậy thì người đó không được chủ quan, không được phép có những quyết sách, những phát ngôn, hành động cho thấy tư tưởng không kiên quyết bảo vệ chủ quyền.

Với tôi, ngoài vai trò là tư lệnh ngành, lĩnh vực phụ trách của mỗi chức danh, tôi còn đánh giá trên tiêu chí đó. Làm chuyên môn, quản lý trên lĩnh vực của mình có tốt nhưng nếu có những đề xuất, phát biểu thể hiện sự mất cảnh giác, hành động không tôn trọng lợi ích của nhân dân, của dân tộc, với tôi, sẽ ảnh hưởng lớn tới tín nhiệm của người đó. Đó là một tiêu chí trong đánh giá của tôi.

- Vậy với cá nhân ông, để việc đánh giá được công tâm, khách quan, thông tin về những người được lấy phiếu đến với ông từ những nguồn nào?

- Với những đại biểu thông thường, không giữ chức vụ, không phải công chức như tôi thì nguồn thông tin trước hết là do các cơ quan của Quốc hội cung cấp. Nguồn thông tin thứ 2 là qua cử tri, nguồn thông tin thứ 3 là qua báo chí, nguồn thông tin thứ 4 là qua chính những chính sách, quyết định do người phụ trách ngành/lĩnh vực cụ thể ban hành. Đọc một thông tư, một nghị định, tôi cũng có thể đánh giá là nó sẽ tốt hay không tốt cho cử tri, người dân.

Quan trọng nhất, người có trách nhiệm cao với lá phiếu của mình thì phải tìm hiểu các vấn đề cho thật cặn kẽ, đánh giá toàn diện, cả quá trình. Bỏ phiếu có trách nhiệm nghĩa là trách nhiệm cả với người được đánh giá và với bản thân mình, với Quốc hội, với cử tri.

Trình độ đồng đều nhưng bản lĩnh mỗi Bộ trưởng khác nhau

- Lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội được cho là không chỉ của cá nhân mà còn là những lá phiếu của cử tri gửi gắm. Vậy trước khi lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội như ông có trao đổi với cử tri để có căn cứ đánh giá các lãnh đạo?

Với cử tri thì cũng có nhiều hình thức trao đổi. 3 năm qua, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đều có hoạt động tiếp xúc cử tri, thông tin từ đó rất quan trọng. Rồi mỗi người trong công việc, sinh hoạt hàng ngày của mình đều tiếp xúc với người dân, từ việc đi chợ, đi taxi, tiếp xúc với doanh nghiệp. Như vậy, thông tin từ cử tri chính là nguồn thông tin trước nhất.

Ngoài ra, mình cũng là người dân, là cử tri, mình cũng có trải nghiệm trên những lĩnh vực các cán bộ lãnh đạo phụ trách, mình cũng biết chứ.

- Đây là lần thứ 3 tham gia bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm các chức danh, ông có nhận thấy sự thay đổi tích cực của những người điều hành trên các lĩnh vực của mình?

Hiện tôi chưa thể phát biểu về từng chức danh cụ thể nhưng riêng về Chính phủ, có thể thấy, trình độ, năng lực của các thành viên Chính phủ khá là đều tay. Nhưng trình độ, năng lực là một chuyện, thực tế công tác điều hành, phản ứng trước diễn biến của tình hình, cách ban hành chủ trương chính sách ứng phó, giải quyết lại là câu chuyện khác. Phần này mới thể hiện bản lĩnh của người Bộ trưởng và phần đó thì rất khác nhau ở mỗi người.

- Được biết, trước khi kỳ họp bắt đầu, bản báo cáo, kiểm điểm của tất cả các chức danh được lấy phiếu lần này đã được gửi tới các đại biểu. Ông trao đổi với cử tri của mình thế nào về những nội dung này để việc đánh giá tín nhiệm phản ánh được đúng nguyện vọng của cử tri?

Các báo cáo được đóng dấu mật. Về lâu dài, tôi nghĩ cần sửa đổi việc này. Nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước, những người quan chức càng cao thì quyền riêng tư của họ càng bị hạn chế. Nói cách khác với quan chức càng cao càng phải minh bạch và công khai, chẳng những chỉ là công việc mà còn cả đời tư của họ. Như vậy thì những bản kiểm điểm của người được đánh giá tín nhiệm chẳng có gì là bí mật cả, mà đã in ấn, phát hành cho gần 500 đại biểu rồi, còn gì mà “mật” nữa.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo