Khởi động đô thị vệ tinh của TPHCM
(Dân trí) - Theo quy hoạch Vùng TPHCM, xung quanh đô thị hạt nhân là TPHCM hiện hữu sẽ có chuỗi đô thị vệ tinh như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Nhơn Trạch (Đồng Nai)… Đầu năm nay, nhiều sự kiện lớn khởi động đã mở màn cho sự phát triển chuỗi đô thị vệ tinh này.
Thủ Dầu Một mạnh mẽ
Lấy đô thị hạt nhân TPHCM làm trung tâm, các đô thị trong phạm vi bán kính 30km từ trung tâm này sẽ là các đô thị vệ tinh của TPHCM. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một là một đô thị vệ tinh độc lập trong chuỗi các đô thị vệ tinh này.
Có thể nói, trong 2 đô thị vệ tinh độc lập của Vùng TPHCM (Thủ Dầu Một, Biên Hòa) thì Thủ Dầu Một dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã có bước tiến rất nhanh và mạnh mẽ, quy hoạch đồng bộ và phát triển đô thị thần tốc. Bình Dương không chỉ cải tạo đô thị cũ mà còn đặt mục tiêu mở rộng gấp đôi đô thị trung tâm với đề án xây dựng Thành phố mới Bình Dương rộng đến 1.400 ha.
Tối 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cùng lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bình Dương nhấn nút khánh thành tòa nhà chính trị - hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Tòa nhà này xây dựng theo hình tháp đôi, mỗi tháp cao 21 tầng với kinh phí trên 1.400 tỷ đồng. Trung tâm hành chính đi vào hoạt động không chỉ đánh dấu cho quá trình cải cánh hành chính của tỉnh mà còn giúp cả khu đô thị Thành phố mới Bình Dương chuyển mình, xây dựng nên một diện mạo mới cho Thủ Dầu Một.
Dù đề án xây dựng Thành phố mới Bình Dương đã được khởi động từ lâu với mục tiêu xây dựng một khu đô thị mới hiện đại, mở rộng và làm động lực phát triển thành phố Thủ Dầu Một hiện hữu. Tuy nhiên, đến nay Thành phố mới Bình Dương chỉ có cơ sở hạ tầng, đường xá được xây dựng sẵn nhưng chưa thu hút được nhiều dân cư.
Nhưng sau sự kiện “dời đô” này, tất cả hoạt động hành chính của tỉnh sẽ dời về đây, các tiện ích phục vụ hoạt động này sẽ tự động dời về đây trong tương lai gần và trở thành hạt nhân xây dựng nên khu đô thị này. Do đó, nhiều người vẫn xem sự kiện ngày 20/2 mới chính thức là sự kiện khởi động xây dựng Thành phố mới Bình Dương, giúp mở rộng Thủ Dầu Một trở thành 1 trong 2 đô thị vệ tinh lớn nhất của TPHCM.
Cơ hội cho Nhơn Trạch
Nhơn Trạch dù thuộc địa phận Đồng Nai nhưng trong quy hoạch vùng TPHCM, đây lại là một đô thị vệ tinh phụ thuộc của đô thị hạt nhân TPHCM bởi nó nằm sát nách thành phố lớn này, chỉ cách nhau bởi nhánh sông Sài Gòn.
Khi thông tin quy hoạch Nhơn Trạch thành đô thị vệ tinh của TPHCM, nằm trên tuyến đường cao tốc nối TPHCM với sân bay Long Thành được công bố, nhiều người đã mơ đến sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Chính quyền địa phương cũng nhanh chóng quy hoạch xây dựng khu đô thị mới đạt chuẩn, hiện đại bên cạnh khu thị tứ cũ của Nhơn Trạch.
Thế nhưng, quy hoạch 10 năm vẫn chưa thành hiện thực. Những khu dân cư trong đô thị mới Nhơn Trạch đã xong hạ tầng, chia nền, thậm chí là xây nhà nhưng vẫn hoang vắng, chẳng có mấy người ở. Nguyên nhân chính là vì sân bay Long Thành chưa khởi động, đường cao tốc nối thẳng TPHCM với Nhơn Trạch chưa thành, thế ngăn sông khiến Nhơn Trạch chưa chuyển mình được.
Ngày 2/1, 20km đầu tiên của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ đường Vành đai 2 (quận 9) đến QL 51 (tỉnh Đồng Nai) đã chính thức được thông xe. Theo Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, đường cao tốc giúp rút ngắn hơn một nửa thời gian lưu thông từ TPHCM về thành phố Vũng Tàu. Nhưng điều quan trọng là điểm cuối của đoạn 20km này nối vào Nhơn Trạch, mở ra 1 cơ hội cho Nhơn Trạch phát triển khi chưa có sân bay Long Thành.
Ngay sau sự kiện thông xe đoạn 20km cao tốc trên, tỉnh Đồng Nai và chính quyền Nhơn Trạch đã có buổi họp bàn điều chỉnh quy hoạch đô thị mới này cho phù hợp tình hình mới, đón đầu cơ hội phát triển. Nhiều công ty bất động sản cũng rục rịch khởi động lại các dự án khu dân cư đang hoang hóa từng ngày tại đây. Bởi theo họ, khi cách trở giao thông được khắc phục, lợi thế giá đất rẻ sẽ giúp khu đô thị này nhanh chóng phát triển. Một cơ hội mới cho đô thị vệ tinh phụ thuộc phía Đông Nam TPHCM chuyển mình.
Tùng Nguyên