Khi thuận lợi ngồi thu tiền, khi lũ lụt lại... đổ tại trời?

(Dân trí) - Các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi, chuyển từ cơ chế thu phí thủy lợi sang “giá” dịch vụ thủy lợi, người “bán nước” tưới tiêu có phải cam kết đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp hay khi thuận lợi thì ngồi thu tiền, khi lũ lụt, hạn hán lại đổ cho trời?

Sáng 12/9, trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội dự thảo luật Thủy lợi, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định “giá dịch vụ thuỷ lợi” thay cho “thuỷ lợi phí”. Lý do được nêu là việc chuyển “phí” thành “giá” để đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, vì Luật Phí và lệ phí không quy định “thuỷ lợi phí”.

Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ phục vụ sang đúng bản chất dịch vụ, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hoá của nước, coi dịch vụ thuỷ lợi là dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm.

Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thuỷ lợi, theo Chính phủ, còn đưa công tác thuỷ lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thuỷ lợi...

Phiên họp thứ 3 của UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu sáng nay (12/9) (ảnh: Quochoi.vn).
Phiên họp thứ 3 của UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu sáng nay (12/9) (ảnh: Quochoi.vn).

Thẩm tra nội dung này, UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí quan điểm chuyển từ phí sang giá nhưng cũng yêu cầu, cần phải quy định rõ một số nội dung về chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền, các loại hình dịch vụ thuỷ lợi...

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận xét, phần đánh giá tác động của việc chuyển đổi này chưa rõ. Bà Thúy Anh đặt câu hỏi, lộ trình tính giá thế nào, bao giờ thì tính đúng tính đủ, mức độ sẵn sàng của người dân với dịch vụ ra sao?

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý góp ý, chuyển từ phí sang giá là việc đúng nhưng cần đánh giá tác động rõ hơn xem có khả thi không, vì đây là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, việc chuyển từ phí sang giá là vấn đề rất lớn. “Nếu mua nước sản xuất thì người dân có quyền được chọn, quyết định trồng cái gì cho hiệu quả không? Nếu không tính kỹ, có thể nay mai sẽ có chuyện hàng loạt nông dân bỏ ruộng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng” – ông Phúc cảnh báo.

Ngoài ra, ông Phúc cũng yêu cầu làm rõ, hệ thống hạ tầng thủy lợi hiện nay, nhiều khâu người dân đã bỏ tiền ra làm, nếu chuyển sang tính theo giá, đơn vị “bán nước” tưới tiêu sẽ trả lại tiền đầu tư ban đầu như thế nào?

Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm người cung cấp nước khi hạn hán, lũ lụt khi được quyền… bán nước. Khi đó, đơn vị cung cấp dịch vụ có phải cam kết dù hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm nước được không, hay khi thuận lợi thì ngồi thu tiền, khi lũ lụt hạn hán lại đổ cho trời?

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, đây là “cuộc cách mạng với sản xuất nông nghiệp” nhưng phải làm sao quy định là để hộ trợ người dân, hỗ trợ sản xuất vì hiện chi phí sản xuất nông nghiệp đang rất cao so với thu nhập của nông dân, chứ không thể chỉ quy định để giúp cho quản lý Nhà nước.

Chống đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố

Một vấn đề khác được đặt ta tại phiên thảo luận và vấn đề trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, mối quan hệ giữa thủy lợi và thủy điện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, vấn đề an toàn hồ đập liên quan đến an ninh quốc phòng vì để mất an toàn sẽ là thảm hoạ.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội.

“Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra” – Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi khi sự cố xảy ra.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý nhà nước vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn và một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư...

Bà Nga phân tích: “Nếu chỉ dừng như quy định trong dự thảo thì chưa tạo đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề nhập nhằng, chồng chéo chức năng và vấn đề thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình kỹ từng ý kiến trong báo cáo thẩm tra để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, nếu không chưa đạt mục tiêu đề ra”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các Bộ ngành, nhất là 3 Bộ: Nông nghiệp, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương cũng như của tổ chức, cá nhân khác, đặc biệt là vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng.

Giải trình thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, quy định điều phối giữa nhu cầu thuỷ điện và thuỷ lợi đã được thể hiện tại Luật Tài nguyên nước. Và việc vận hành hồ thuỷ điện sẽ được phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo cả hai lợi ích thuỷ lợi và thuỷ điện.

P.Thảo