Hợp tác để phát triển nền tư pháp khu vực ASEAN

(Dân trí) - Ngày 1/4, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 do Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đăng cai đã khai mạc tại TPHCM. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định: “Hội nghị là nơi Chánh án các nước trao đổi về những chính sách, ý tưởng hợp tác giữa các nước nhằm phát triển nền tư pháp khu vực”.

Đây là Hội nghị thường niên do Tòa án Tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Hội nghị lần thứ tư tại Việt Nam có sự tham dự của 10 đoàn đại biểu Tòa án Tối cao các nước trong khối ASEAN với hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của Chánh án Tòa án Tối cao của 8 nước là Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanma, Philippines, Singapore và Chánh tòa Tòa Lao động Thái Lan, đại diện Tòa án Tối cao Malaysia.

Hơn 100 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN tham dự hội nghị
Hơn 100 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Việt Nam cho biết: “Hội nghị lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập vào năm 2015, với mong muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN với 3 cột trụ an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội với hơn 625 triệu dân; mục tiêu hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển và hướng tới người dân làm trung tâm”.

Ông Trương Hòa Bình khẳng định: “Cộng đồng hoạt dộng hoạt động trên các nguyên tắc chung, vì lợi ích của người dân và người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN. Về kinh tế, đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp các nước ASEAN tham gia vào một thị trường chung. Chính vì vậy, sự hợp tác của tòa án các nước ASEAN cũng không nằm ngoài mục tiêu chung này”.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi cấp cao của người đứng đầu cơ quan tư pháp các nước ASEAN với mục tiêu trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường sự hợp tác lẫn nhau. Do đó, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: “Hội nghị là nơi Chánh án các nước trao đổi về những chính sách, ý tưởng hợp tác giữa các nước nhằm phát triển nền tư pháp khu vực”.

Theo ông, trong bối cảnh hội nhập khu vực, dòng đầu tư thương mại, di cư trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ. Việc hội nhập và xích lại gần nhau giữa các hệ thống tư pháp và pháp luật trong khu vực dựa trên các chuẩn mực chung sẽ giúp giảm bớt các chi phí thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, các đại biểu sẽ thảo luận về phương thức thực hiện các sáng kiến đã đề ra trong các hội nghị trước như: thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, hội nhập ASEAN, xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, đào tạo tư pháp, quản lý vụ án và công nghệ thông tin tại tòa án, tranh chấp gia đình xuyên biên giới.

Đồng thời, hội nghị cũng sẽ thảo luận về các sáng kiến mới như tranh chấp trẻ em xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong cải cách pháp luật và tư pháp, cùng nhau tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực...

Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Hội nghị lần này đặt ưu tiên hàng đầu là chủ đề thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, để đưa cơ chế hợp tác trong ASEAN thực sự hiệu quả hơn. Xa hơn nữa là đưa hội nghị này ngang tầm với hội nghị của người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực”.

Tùng Nguyên