Hội thảo khoa học phát triển bề vững vùng Tây Nguyên
(Dân trí) - Ngày 25 - 26/4, tại Đắk Lắk diễn ra Hội thảo KH “Phát triển Kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên: Những vấn đề cốt yếu và giải pháp”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng Chương trình Tây Nguyên 3 thực hiện.
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Đạo học Tây Nguyên; Các Sở, Ngành 5 Tỉnh Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài cùng đại diện các đề tài khoa học.
Tây Nguyên là vùng gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum. Đây là vùng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Với nhiều chủ trương chính sách được thực hiện cho sự phát triển của vùng và đã đạt được những thành tựu đáng kể: tốc độ phát triển luôn duy trì mức độ cao, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, đời sống tinh thần vật chất của người dân được nâng cao…
Tuy vậy còn tồn tại nhiều thách thức lớn như: Chưa có sự liên kết vùng của 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển; tỷ lệ nghèo đói cao, di dân không kiểm soát, xung đột và bất ổn xã hội vẫn còn tồn tại; văn hóa Tây Nguyên đang mất đi nhiều giá trị truyền thống; còn có sự áp đặt mô hình thể chế, chính sách phát triển đối với vùng Tây Nguyên…
Với 20 đề tài khoa học được báo cáo tại Hội thảo lần này, đã đề cập những vấn đề liên quan tới sự phát triển về kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên, cùng những giải pháp được đề ra nhằm cùng đưa ra. Qua đó sẽ nhận được nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn và đưa ra nhiều luận điểm mới, đề xuất những giải pháp và kiến nghị quan trọng nhằm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên dựa trên những giá trị phát triển đặc thù của vùng.
Một số các đề tài tiêu biểu trong Hội thảo: Một số vấn đề phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại vùng Tây Nguyên; Mấy vấn đề về đổi mới quản lý nhà nước đối với đất đai ở Tây Nguyên; Những vấn đề lý luận, thực tiễn của tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay và một số giải pháp, kiến nghị; Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đặc thù vùng Tây Nguyên…
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Việc đưa ra các giải pháp mang đặc thù Tây Nguyên, dựa trên những giá trị phát triển, những đặc thù và thế mạnh của Tây Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên, gắn với sức mạnh của cả nước để giúp cho vùng tây Nguyên phát triển bềnvững cả về kinh tế, văn hóa – xã hội, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trương Nguyễn - Tuệ Mẫn