“Hội đồng bầu cử hoàn toàn bất ngờ trước vi phạm của bà Nguyệt Hường”

(Dân trí) - Nói về những người trúng cử đại biểu Quốc hội có vi phạm trong quá trình hiệp thương, giới thiệu, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định quy trình áp dụng đúng, vấn đề là các cá nhân này… nói dối.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí về 2 trường hợp người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV – ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu bên lề Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử sáng nay, 18/7.

Việc thực hiện các thủ tục để một người được bầu làm đại biểu Quốc hội là quy trình nhiều bước, rất chặt chẽ, qua 3 vòng hiệp thương mà sao vẫn để lọt những trường hợp vi phạm như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Trịnh Xuân Thanh khiến dù đã trúng cử vẫn phải “bác” tư cách đại biểu Quốc hội, thưa ông?

Quy trình thì rất đúng, chỉ có điều người ta nói dối, giấu diếm thôi. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, nếu biết thông tin bà này xin nhập quốc tịch Maltan thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng xem xét, quyết định không công nhận tư cách đại biểu ngay trong cùng phiên họp thứ 7 (xem xét trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh) chứ sao phải chuyển họp trong phiên sau nữa. Thông tin nhận được về bà Hường là sau phiên họp thứ 7 của Hội đồng.

Đây là lời cảnh báo với mọi cá nhân, cần gỡ “cái mũ” đại biểu Quốc hội ra, không thể lấy danh nghĩa đại biểu, lợi dụng mác đại biểu để làm những việc khuất tất. Các trường hợp vi phạm, phải tước bỏ tư cách đại biểu Quốc hội lâu nay đều rơi vào nhóm này.

“Hội đồng bầu cử hoàn toàn bất ngờ trước vi phạm của bà Nguyệt Hường” - 1

Vậy có thể quy trách nhiệm khi để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng để giới thiệu cho cử tri bầu như này không?

Việc một người đăng ký xin nhập một quốc tịch khác, như ở nhiều nước quy định là vào mạng, đăng ký trên mạng thì ai biết được. Nhưng khi việc đó thành kết quả rồi thì cơ quan chức năng mới biết là người này có một hộ chiếu của nước ngoài, mang một quốc tịch nước ngoài. Việc đó hoàn toàn rất bất ngờ.

Thông tin về việc này do cơ quan chức năng báo chứ Hội đồng bầu cử không ai biết. Đây là đại biểu thuộc cơ cấu UB Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu, 1 trong 131 ứng viên đơn vị này giới thiệu cho Hội đồng bầu cử quốc gia lên danh sách người ứng cử chính thức.

Ngoài lý do vi phạm luật Quốc tịch như ông đã trao đổi, còn lý do nào khác để Hội đồng bầu cử quốc gia “bác” tư cách đại biểu của nữ doanh nhân này? Cơ quan chức năng có cảnh báo vấn đề gì khác?

Chỉ riêng việc bà Hường có quốc tịch đó đã là vi phạm pháp luật, là đủ căn cứ để xử lý rồi, không cần lý do nào nào khác. Còn có vi phạm hay không thì chưa biết được, những vấn đề tiếp theo, các cơ quan quan chức năng sẽ làm tiếp.

Như vậy trường hợp của bà Nguyệt Hường, có thể coi là không trung thực khi không kê khai trong quá trình ứng cử đại biểu Quốc hội?

Nói thế thì cũng không đúng vì trong hồ sơ ứng cử không có mục nào bắt người ta kê khai Quốc tịch thế nào chứ nếu có, một người có cả quốc tịch khác mà khai là quốc tịch Việt Nam thì rõ là không trung thực.

Đến giờ tôi cũng không rõ bà Hường có xác định được việc làm của mình là vi phạm quy định không, có khi cũng có người hiểu người Việt Nam mình được quyền có 2 quốc tịch. Nhưng luật thì đã quy định rất cụ thể tại Điều 4 là công dân Việt Nam chỉ một quốc tịch được nhà nước công nhận. Vậy khi muốn có một quốc tịch khác, công dân phải xin thôi Quốc tịch Việt Nam, sau đó mới nhận quốc tịch mới.

Được biết, trong đơn xin rút không làm đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không xác nhận “lỗi” này của mình mà chỉ nêu lý do sức khoẻ không đảm bảo nên xin rút. Bà Hường gửi đơn vào thời điểm nào, thưa ông?

Lý do nêu là thấy bản thân không đủ điều kiện để làm đại biểu Quốc hội thì xin không làm nữa. Đơn này gửi cách đây 2 ngày, trước khi Hội đồng bầu cử quốc gia họp xem xét tư cách đại biểu của người này và đó cũng là một lý do để Hội đồng xem xét.

Hội đồng bầu cử quốc gia phiên họp 8 là để xem xét tiêu chuẩn cũng như xem xét đơn gửi của bà Hường, nhận thấy bà Hường không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội nên Hội đồng đã ra Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với người này.

Được biết, để có quốc tịch nước ngoài, cá nhân xin nhập quốc tịch phải đầu tư rất lớn vào quốc gia đó. Cơ quan chức năng có công bố thông tin về hoạt động đầu tư này của nữ doanh nhân Nguyệt Hường?

Việc đó là do quy định của nước ngoài, muốn làm công dân của nước nào thì phải đáp ứng điều kiện cụ thể nước đó đề ra. Mà quốc gia này thì rất mới, đây là 1 nước thuộc Châu Âu - một quốc đảo nhỏ ở Địa Trung Hải, chỉ có 386km2 với 396.000 dân.

Chính vì thuộc Châu Âu nên có hộ chiếu Malta thì cũng có thể đi lại, cư trú rộng khắp ở Châu Âu?

Thì chắc là chị Hường cũng biết điều đó nên chị ấy mới chọn vậy.

Đến thời điểm này, bà Hường vẫn được coi là đại biểu Quốc hội khoá XIII và việc này chỉ chấm dứt khi Quốc hội khoá mới bước vào kỳ họp đầu tiên?

Đến hôm nay, khi tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử khoá mới này thì coi như khóa trước kết thúc rồi, đương nhiên như thế là Quốc hội khoá XIII không còn 1 kỳ họp nào nữa. Hôm qua (17/7), Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội rồi. Hôm nay, khi Chủ tịch Quốc hội ký Nghị quyết xác nhận 494 đại biểu thì coi như đây là những đại biểu của khoá XIV và ngày mai các đại biểu khoá mới sẽ được mời về hội trường họp để tập huấn công tác đại biểu thì các đại biểu quốc hội khoá XIII chấm dứt vai trò của mình.

Với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, các vi phạm rõ ràng là có cả quá trình dài, không phải là nói dối như ông khái quát. Vậy Hội đồng bầu cử quốc gia có xem xét trách nhiệm các cơ quan ở địa phương không khi ông Thanh được giới thiệu và cũng qua rất nhiều vòng hiệp thương như vậy để rồi được ra bầu, đạt tỷ lệ phiếu cao nhất tỉnh Hậu Giang mà cuối cùng việc kiểm tra cho thấy những vi phạm nghiêm trọng như vậy?

Trường hợp này là do Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang giới thiệu. Ở địa phương, đại biểu cũng qua tất cả các vòng hiệp thương như thế. Chỉ có thể đánh giá, quá trình khai hồ sơ ứng cử của người này cũng không trung thực, không khai tất cả những việc mình đã làm như thế. Còn cử tri thì biết làm sao được những lắt léo, nhìn quá trình công tác thì tưởng ông này “kinh” lắm vì đã qua những chức vụ như thế, thăng tiến như thế.

Người dân không biết nhưng cơ quan chức năng thì phải biết, thậm chí phải tham gia vào quy trình, những bước di chuyển của một cán bộ như thế chứ, thưa ông?

Bây giờ vào cuộc kiểm tra làm thì mới biết được chứ làm sao kiểm tra được tất cả mọi người ứng cử, đông như thế. Chỉ có vấn đề là quy định có 35 ngày sau khi công bố kết quả bỏ phiếu để xem xét có ai có vấn đề gì không. Trong thời gian này mới có đơn thư và xem xét, còn nếu đơn thư muộn quá thì cũng phải công nhận tư cách đại biểu xong rồi để Quốc hội khoá mới xem xét tiếp chứ .

Trường hợp ông Thanh theo tôi biết có tố cáo, có phản ánh của báo chí về việc sai phạm như thế nhưng trường hợp bà Hường thì không có đơn thư mà do cơ quan chức năng phát hiện.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo