Hoàn thành nhà ở vượt lũ giai đoạn 2 tại ĐBSCL
(Dân trí) - Sau 6 năm triển khai, chương trình cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 đã hoàn tất, hàng triệu người dân ở những vùng được mệnh danh là “rốn lũ” đã có thể yên tâm “sống chung với lũ”.
Sáng 10/4, Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra tại tỉnh Hậu Giang.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thông báo kết quả đạt được từ việc triển khai chương trình “nhà vượt lũ” cho người dân. Theo Bộ trưởng Dũng, trận lũ năm 2000 được gọi cơn lũ thế kỷ, đã làm 539 người chết, 212 người bị thương, hơn 890.000 căn nhà ngập trong nước, trong đó 9.457 căn nhà bị sập hoàn toàn; 13.793 phòng học và 383 cơ sở y tế bị ngập trong nước; hơn 62.000 hộ dân phải di dời nhà ở, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị tàn phá…
Để hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra, bảo đảm chỗ ở an toàn, ổn định cho các hộ dân trong vùng thường xuyên bị ngập lũ tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc đầu xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ. Giai đoạn 1 đã đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định khi có lũ lụt cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ và được đánh giá hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.
Mùa lũ năm 2011 (mức nước cao bằng trận lũ lịch sử năm 2000) nhưng thiệt hại về người và tài sản đã giảm 1/10 so với năm 2000.
Từ những hiệu quả đạt được, tháng 8/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định triển khai tiếp Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2. Hơn 6 năm triển khai, 49.540 hộ dân trên tổng số 56.510 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao (đạt 88%), trong đó 27.185 hộ vào ở trong cụm, tuyến và 22.355 hộ được đảm bảo an toàn trong các bờ bao.
“Đến nay, chương trình đã cơ bản giải quyết được chỗ ở an toàn, ổn định các hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ. Tuy nhiên, do mới xuất hiện những điểm sạt lở nguy hiểm và một số vùng ngập lụt phát sinh tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố vùng ngập lũ về việc, dù giai đoạn 2 của Chương trình đã kết thúc vào ngày 31/12/2014, tuy nhiên vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay là 168,2 tỷ đồng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho số hộ dân trên được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư đến hết năm 2015.
“Hiện nay, vốn vay mua nền nhà của các hộ dân trong giai đoạn 1 đã hết thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, còn nhiều hộ vẫn chưa trả được nợ, trong đó có 25.868 hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa trả được nợ với số tiền là 226,344 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam” – Bộ trưởng Dũng kiến nghị.
Trước báo cáo về chương trình “nhà vượt lũ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả đạt được và đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng, gia hạn thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ nghèo, cận nghèo.
Cũng trong buổi hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, phê duyệt kéo dài giai đoạn 2 thực hiện chương trình đến năm 2020, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Trong buổi tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khen thưởng 5 tập thể, 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện chương trình cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn từ năm 2008 – 2014.
Trung Kiên