Nghệ An:

Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên thực địa

(Dân trí) - Sáng nay 9/7, Chính phủ hai nước Việt Nam -̀ Lào đã tổ chức Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại số 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nam on (Bolikhamsai - Lào).

 
Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên thực địa
Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng chúc cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững
 
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thủ tướng CHDCND Lào - Thongsing Thammavong; cùng các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng hai nước Việt Nam và Lào.

Biên giới hai nước Việt Nam - Lào dài hơn 2.060km, tiếp giáp với 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Kể từ sau khi nước ta và nước bạn Lào ký “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào” (18/7/1977), đường biên giới Việt Nam - Lào đã được hoạch định, phân giới cắm mốc; ghi nhận trong các Hiệp ước hoạch định, Nghị định thư phân giới cắm mốc và các văn bản pháp lý liên quan ký kết giữa hai nước và được thể hiện rõ ràng trên bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 xuất bản năm 2003.

Nhằm xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới, từ năm 2008, hai nước đã phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Trọng tâm của Dự án là tăng dày số lượng mốc, tôn tạo, xây mới mốc hiện có để làm rõ đường biên giới trên thực địa, không tiến hành phân giới lại, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.

Trải qua 5 năm thực hiện, với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của Các Bộ, Ngành, địa phương và nhân dân hai nước, đến hôm nay, chúng ta đã xây dựng được 793 vị trí mốc, tương ứng với 835 cột mốc và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa.
 
Phát biểu tại lễ chào mừng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việc hoàn thành công tác cắm mốc quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử lâu dài trong quan hệ hai nước chúng ta, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; Là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước chúng ta”.
 
Để phát huy thành quả đạt được vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước cùng tích cực triển khai các công việc, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2014 theo đúng thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
 
Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên thực địa

Phát biểu tại buổi lễ chào mừng, Thủ tướng CHDCND Lào - Thongsing Thammavong cho biết: “Về công tác biên giới, sau khi hoàn thành công tác khảo sát và cắm mốc biên giới theo Hiệp ước về hoạch định biên giới Lào - Việt Nam ngày 18 tháng 7 năm 1977 và Nghị định thư bổ sung về hoạch định biên giới Lào - Việt Nam năm 1986, Bộ chính trị trung ương Đảng của hai nước đã tiếp tục chỉ đạo chính phủ, Ủy ban biên giới Quốc gia của hai nước xây dựng dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào - Việt Nam với nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới hai nước rõ ràng và chính xác vĩnh viễn, trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác vì sự phồn thịnh của nhân dân và là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ con cháu của hai nước tiếp tục kế thừa”.

Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại số 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nam on (Bolikhamsai) là một sự kiện hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014.

Đồng thời đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
 
Hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên thực địa
Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại số 460 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nam on (Bolikhamsai).

 
Nguyễn Duy