Nghệ An:
“Hễ mưa một tý thì chỗ nào cũng thành hồ bơi”
(Dân trí) - Quy hoạch chung cư dày đặc trong đô thị, ô nhiễm môi trường, quá tải bậc mầm non, tắc đường và ngập úng là các vấn đề được các đại biểu đưa ra mổ xẻ trong phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ IV, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII. “Hễ mưa một tý thì chỗ nào cũng thành hồ bơi. Thành phố cũng bắt đầu có hiện tượng kẹt xe vào tan tầm, ùn tắc giao thông không kém Hà Nội”, một đại biểu than thở.
Theo đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP Vinh) các cơ quan chức năng cần có quy hoạch xây dựng và quản lý khu chung cư trong nội đô. Nhiều khu chung cư được xây dưng ngay tại trung tâm thành phố khiến mật độ dân số tăng cao, gây ra nhiều áp lực đối với an ninh trật tự cũng như các hoạt động xã hội khác, đặc biệt là y tế và giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
Chung cư xây nhiều nhưng các công trình hạ tầng phụ trợ chưa đồng bộ, chưa có điểm đấu nối với khu vực xung quanh, hễ mưa là ngập. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến nhà ở mà chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cảnh quan hài hòa, chưa có nhà văn hóa để cư dân chung cư sinh hoạt…, đại biểu Hiền chỉ rõ.
Đại biểu thành phố Vinh cũng cho biết, hiện người dân xã Hưng Đông đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải từ KCN Bắc Vinh và Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Đây là khu vực trồng rau cung cấp cho cả thành phố, trong khi đó người dân dùng nguồn nước thải này để tưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an toàn VSTP.
“KCN Bắc Vinh đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng qua kiểm tra thì hồ chứa nước thải không có nước”, đại biểu Hiền cho hay.
Trong khi đó, gần 200 hộ dân ở Hưng Đông bị thiệt hại về hoa màu, lúa do nước thải từ công ty sản xuất bao bì Sabeco hơn chục năm nay. Dù đã có kết luận của thanh tra Bộ TN&MT nhưng phía Sabeco đến thời điểm này chưa đền bù cho người dân. Đại biểu Hiền đề nghị các cơ quan chức năng cấp tỉnh có biện pháp buộc công ty này thực hiện trách nhiệm với người dân đối với hậu quả mà họ đã gây ra.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường (Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh) cho rằng, sức ép đô thị tại Tp Vinh hiện không thua kém Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh. “Dù đã triển khai các phương án chống ngập nhưng hễ mưa một tý thì chỗ nào cũng thành hồ bơi. Thành phố cũng bắt đầu có hiện tượng kẹt xe vào tan tầm, ùn tắc giao thông không kém Hà Nội”.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng quá tải ở bậc mầm non. Đây là hệ quả của phát triển nóng đô thị, xây dựng các khu chung cư ồ ạt gây nên tình trạng tăng dân số cơ học, trong khi đó hệ thống các trường, cơ sở mầm non chưa được các chủ đầu tư quan tâm.
Thiếu trường lớp cho bậc học này khiến tình trạng “chạy” một suất học mầm non ở trường công lập cũng quyết liệt, gay cấn không kém các đô thị lớn, buộc phải sử dụng biện pháp bốc thăm để có 1 suất học cho con.
“Vấn đề này chúng ta dự báo được nhưng xử lý rất chậm. 3 năm trước chúng ta đã nói đến vấn đề này, hôm nay chúng ta cũng nói vấn đề này, chắc năm sau cũng phải nói. Việc sáp nhập các trường tiểu học, THCS thì những cơ sở vật chất có được sử dụng cho bậc mầm non hay không?”, đại biểu Hường nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Lư (Chủ tịch HĐND thành phố Vinh) cũng đề nghị phân rõ vai trò quản lý, giám sát chất lượng hạ tầng đô thị, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giáo dục.
“Xây nhà và đưa cư dân vào, đó là phát triển thành phố. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu dự án lớn trên địa bàn thành phố Vinh bỏ tiền xây trường học, trung tâm văn hóa hoàn chỉnh?” đại biểu Nguyễn Văn Lư đặt câu hỏi.
Theo ông Lư, tỉnh cần có cơ chế để vừa phát triển đô thị, vừa phát triển hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên học hàng và khu vui chơi giải trí.
“Ở thành phố Vinh, vỉa hè hở ra là bị chiếm dụng. Trật tự đô thị và giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Một điều đáng buồn là những người chống đối giải phóng mặt bằng lại là con em cán bộ”, ông Lư cho hay.
Hoàng Lam