Bạc Liêu:
Giảm ô nhiễm môi trường: Dân mong cán bộ đừng "hô khẩu hiệu"
(Dân trí) - “Thời gian nào, bao lâu để làm giảm hoặc chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay? Với người dân, người ta mong mỏi không ở khẩu hiệu, ở văn bản nữa mà cần hành động cụ thể của các cấp”, đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu thẳng thắn.
Ngày 6/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa 9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là một trong những ngành bị đại biểu truy vấn.
Để đất công bị lấn chiếm, Giám đốc Sở phải có trách nhiệm
Qua giám sát, đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung cho biết, thời gian qua, việc quản lý đất công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ như: Cho mượn, cho thuê không lập hồ sơ theo dõi quản lý; người dân bao chiếm, sử dụng, tự ý chuyển nhượng chưa được giải quyết dứt điểm…;. Đại biểu Nhung đề nghị UBND tỉnh cho biết cụ thể thực trạng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu- ông Phạm Quốc Nam (được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền trả lời) thừa nhận, việc quản lý đất công còn nhiều bất cập là đúng như phản ánh của đại biểu. Qua thống kê, tổng diện tích đất công toàn tỉnh Bạc Liêu là 2.670,2 ha; trong đó, riêng diện tích đất công bị lấn, chiếm là hơn 1.400 ha.
Ông Phạm Quốc Nam cho biết nguyên nhân là do có nhiều tổ chức được giao đất để sản xuất, kinh doanh nhưng không hiệu quả và giải thể; hay đất phi nông nghiệp do thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, các địa phương quản lý chưa chặt chẽ;… dẫn đến bị các hộ dân lấn chiếm, sử dụng, khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm.
“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát lại, có phân cấp quản lý và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm từng vụ việc để đưa đất vào khai thác, sử dụng đúng quy định của pháp luật”, ông Nam nêu giải pháp của tỉnh.
Qua phần trả lời của tư lệnh ngành TN&MT tỉnh, bà Lê Thị Ái Nam- Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đánh giá, để diện tích đất công bị lấn, chiếm khá lớn, việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực này của Sở TN&MT là còn hạn chế. “Tôi cho rằng Giám đốc Sở phải thấy được trách nhiệm của mình trong vấn đề này và đề nghị Giám đốc cần phải rút kinh nghiệm”, bà Nam yêu cầu.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Sở TN&MT nên tham mưu UBND tỉnh rà soát, mạnh dạn kiểm tra thu hồi diện tích đất công nào bị lấn chiếm, diện tích nào khi giao cho các tổ chức, cá nhân mà sử dụng không đúng mục đích, để quản lý đầy đủ, chặt chẽ, tránh lãng phí.
Xử lý ô nhiễm môi trường, dân không cần khẩu hiệu
Đại biểu Bùi Thanh Nguyên cho biết, người dân rất bức xúc khi hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên các tuyến kênh, sông xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Vậy, UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng này?
Theo Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quốc Nam, qua kết quả phân tích cho thấy chất lượng nước mặt tại một số kênh, sông chính trên địa bàn tỉnh có chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường.
Hàng loạt nguyên nhân mà ông Nam đưa ra là do một số cơ sở chế biến thủy sản còn xả thải vượt chuẩn; các khu đô thị, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên thải trực tiếp xuống kênh; ý thức của người dân nông thôn về bảo vệ môi trường chưa cao;…
“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở TN&MT tăng cường tuyên truyền người dân, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở chế biến thủy sản vi phạm; tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư;…”, Giám đốc Sở TN&MT nêu giải pháp.
Một đại biểu HĐND tỉnh đã có ý kiến thẳng thắn là phần trả lời của Giám đốc Sở TN&MT về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường là chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn của người dân.
Theo đại biểu, tình hình ô nhiễm môi trường nước, cả không khí, đất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay là một báo động. “Nguyên nhân một phần là do sự quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng làm chưa tốt từ tỉnh đến địa phương. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất chế biến thủy sản vẫn còn xả thải chưa qua xử lý ra sông”, vị đại biểu nói.
“Đến thời điểm này, mình nói với dân, với cử tri thì phải nói bằng hành động cụ thể. Thời gian nào, bao lâu để làm dừng, làm giảm hoặc chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường trong tình hình hiện nay. Với người dân, người ta mong mỏi không ở khẩu hiệu, ở văn bản nữa mà cần hành động cụ thể trong chỉ đạo, điều hành của các cấp”, vị đại biểu thẳng thắn.
Theo đại biểu, nếu thời gian tới mà UBND tỉnh và các ngành chức năng không có giải pháp cụ thể, biện pháp tốt nhất, thời gian sớm nhất thì việc ô nhiễm sẽ tiếp tục tái diễn. “Lúc này, chúng ta cũng chỉ lại nói với dân, cử tri bằng văn bản mà thôi. Đó là điều mà tôi mong rằng Giám đốc Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh trả lời cụ thể, chứ mình không thể nói chung chung như thế được”, vị đại biểu quyết liệt.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam cũng cho rằng, thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trên địa bàn tỉnh là chưa giảm. Vì vậy, đề nghị Sở TN&MT tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn; kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường.
“Người dân phản ánh rất nhiều là các cơ sở chế biến thủy sản xả thải trực tiếp ra môi trường nước, nhất là ban đêm, buổi trưa khi không có lực lượng chức năng. Cái này chúng ta phải làm sao bắt được, phải xử lý thật nghiêm để răn đe, để không còn ảnh hưởng đời sống, sản xuất của bà con nhân dân”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu chốt lại.
Huỳnh Hải