Giải quyết tố cáo cán bộ về hưu: “Không phải rời nhiệm sở đã là an toàn”

(Dân trí) - Ủng hộ quan điểm xây dựng quy định để giải quyết những tố cáo có căn cứ về hành vi sai phạm của cán bộ sau khi đã nghỉ hưu, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đó là một cách ràng buộc thêm trách nhiệm, để người có quyền lực hiểu rằng, không phải cứ rời nhiệm sở đã là an toàn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Một người đã “hạ cánh”, rời bộ máy công vụ cũng không phải đã là an toàn, nếu thực sự anh đã có “trục trặc về mặt kỹ thuật.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Một người đã “hạ cánh”, rời bộ máy công vụ cũng không phải đã là an toàn, nếu thực sự anh đã có “trục trặc về mặt kỹ thuật".

- Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) là bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Điều này được đặt ra là phúc đáp yêu cầu của thực tiễn. Rất nhiều người dân đòi hỏi và mong muốn có và triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này. Quan điểm xử lý cán bộ có vi phạm của ta cũng luôn xác định, một người đã “hạ cánh”, rời bộ máy công vụ cũng không phải đã là an toàn, nếu thực sự anh đã có “trục trặc về mặt kỹ thuật".

Cá nhân mỗi người không chỉ sống trong giai đoạn giữ trách nhiệm, giữ vai trò, giữ quyền lực mà một số cán bộ, sau khi đã nghỉ, tầm ảnh hưởng vẫn còn rất lớn.

Quy định về việc giải quyết tố cáo với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu còn để xử lý hậu quả của việc này. Ngoài ra, ràng buộc trách nhiệm cán bộ như thế cũng để làm gương cho những người khác, để họ thấy rằng, không phải cứ rời nhiệm sở đã là an toàn.

- Điều này có mâu thuẫn với nguyên tắc quy định của pháp luật công chức, viên chức "ràng buộc trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ" không thưa ông?

- Hoạt động tố cáo bao hàm tất cả hành vi sai trái. Ví dụ, về mặt hình sự, khi phát hiện sai phạm vẫn trong thời hiệu, thì việc tố cáo đúng, có căn cứ vẫn phải xử lý. Hay người tham nhũng sau này mới phát hiện và bị tố cáo thì vẫn phải bị truy cứu chứ, tại sao lại không.

- Vừa qua, từ thực tế trong việc xử lý kỷ luật với cán bộ có sai phạm khi đã nghỉ hưu, Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy Nhà nước. Nhưng đến nay, việc xây dựng cơ chế này vẫn vướng, chưa trình ra được. Dự luật Tố cáo với quy định “đón đầu” như này liệu có khả thi?

- Việc xử lý người vi phạm như thế nào là vấn đề khác. Quan trọng là chúng ta phải rà soát lại để đồng bộ. Tôi nghĩ, nếu chúng ta thống nhất về chính sách thì sửa luật là câu chuyện rất bình thường. Vấn đề quan trọng, quy định đó là mang lại lợi ích gì, có cần thiết phải ban hành hay không.

Chúng ta biết, trong tất cả các đạo luật đều nói đến sự cần thiết của quy định, xuất phát yêu cầu của xã hội, của cuộc sống. Thực sự cần thiết thì ta phải làm. Đây là trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ.

- Một vấn đề khác hiện cũng còn nhiều ý kiến khác nhau đó là việc công nhận hay không các hình thức tố cáo như tiếp nhận thông tin tố cáo qua email, điện thoại hay là căn cứ xem xét với tố cáo nặc danh. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đúng là nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về tố cáo nặc danh. Quan điểm của tôi, trường hợp tố cáo nặc danh có cơ sở, đi kèm theo tài liệu, có nhân chứng, vận chứng được chỉ rõ địa điểm, chỉ rõ con người, chỉ rõ cơ quan thì các cơ quan nhà nước cần vào cuộc để xem xét.

Chúng ta thấy, hiện nay ,theo báo cáo tổng kết, cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hoàn chỉnh nên người tố cáo có thể bị trù dập. Thực tế đã có những vụ, người tố cáo đã bị trù dập rồi như vụ đất đai ở Đồ Sơn thời gian trước.

Tôi cho rằng, cần nghiên cứu vấn đề này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)