Nghệ An:
Gắn biển công trình tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn
(Dân trí) - Công trình xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn vừa được gắn biển công trình kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GTVT vào sáng ngày 7/8.
Sáng 7/8, Bộ GTVT đã tổ chức nghi lễ gắn biển “Công trình kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngành GTVT" cho Công trình xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Trước khi thực hiện nghi lễ, Bộ trưởng cùng các thành viên trong đoàn đã dâng hương, dâng vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, anh hùng liệt sỹ TNXP hy sinh tại Truông Bồn trong 2 cuộc kháng chiến của đất nước. Tiếp đó, Đoàn đã tham quan quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, kiểm tra công tác chuẩn bị đêm biểu diễn nghệ thuật - Truông Bồn tráng ca bất tử, diễn ra vào tối nay (7/8).
Theo UBND tỉnh Nghệ An, Dự án xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh thực hiện từ năm 2010 đến năm 2013 gồm các hạng mục: Tôn tạo khu mộ, đền thờ, các hạng mục thuộc khu di tích, hạ tầng bổ trợ và một số công trình phụ trợ khác.
Giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2013 đến nay gồm xây dựng Quảng trường, Đài tưởng niệm, nhà trưng bày, khuôn viên khu di tích và các hạng mục phụ trợ khác. Đến cuối tháng 7/2015, toàn bộ quần thể khu di tích đã cơ bản hoàn thành.
Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hiện nay nằm trong quần thể rộng lớn có diện tích 22ha, với 20 hạng mục chính và nhiều công trình phụ trợ, tổng mức đầu tư dự án này lên đến 365 tỷ đồng. Quá trình triển khai dự án, với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ nhiều tổ chức cá nhân đã ủng hộ xây dựng các hạng mục với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng, cung tiến nhiều hiện vật và gần 500 cây xanh các loại. Riêng Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã quyên góp, ủng hộ xây dựng Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn gần 60 tỷ đồng.
Sau lễ gắn biển, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cùng lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tham gia trồng cây xanh tại khu di tích. Được biết, toàn bộ hơn 500 cây xanh trong khuôn viên khu di tích Truông Bồn đều do các cán bộ, công nhân viên trong ngành GTVT góp tặng và tự tay trồng.
Tuyến đường tiềm năng kinh tế phía Tây xứ Nghệ
Trưa cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã tham dự lễ khởi công tuyến đường tiềm năng kinh tế phía Tây xứ Nghệ. Đây là tuyến đường nối đường N5 khu kinh tế (KKT) Đông Nam đến Hòa Sơn - Đô Lương và Tân Long - Tân Kỳ.
Theo báo cáo của Sở GTVT Nghệ An, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế đông Nam đến Hòa Sơn - Đô Lương và Tân Long - Tân Kỳ do UBND tỉnh phê duyệt. Dự án do Sở Giao thông vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư; Công ty CP Thiết kế và xây dựng Nano tổ chức tư vấn lập dự án.
Tuyến đường có chiều dài thiết kế gần 30km, quy mô đường cấp III, bề rộng mặt đường 7m, mặt đường được thảm bằng bê tông nhựa Polymer. Tại thời điểm khởi công, do gặp khó khăn về nguồn vốn, nên tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên thi công trước đoạn tuyến dài 3,5km, có điểm đầu từ km25 + 00 xã Tân Sơn, Đô Lương, điểm cuối là km28+500 giao với Quốc lộ 7 tại xã Hòa Sơn, Đô Lương. Mức đầu tư dự kiến giai đoạn này là 137 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Việc khởi công xây dựng công trình đường giao thông nối từ đường N5 của KKT Đông Nam đến QL7 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi dự án hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường giao thông kết nối KKT Đông Nam, Cảng nước sâu Cửa Lò với vùng kinh tế phía Tây của tỉnh.
Tuyến đường sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng miền Tây Nghệ An, góp phần nâng cao năng lực hàng hóa, phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và các sản phẩm từ các khu công nghiệp, nhà máy thuộc các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An về các huyện đồng bằng.
Đặc biệt, dự án sẽ phục vụ vận chuyển xi măng cho nhà máy xi măng Sông Lam (Đô Lương) công suất 4 triệu tấn/năm vào cuối năm 2016 và nhà máy xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) công suất 0,6 triệu tấn/năm. Dự án này cũng giúp tỉnh Nghệ An hoàn thành hệ thống giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra và Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển KT-XH của khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Tuy nhiên, do nguồn vốn của địa phương còn hạn chế nên trước mắt mới triển khai được 3,5km, mong rằng trong thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ về nguồn vốn để sớm triển khai các đoạn còn lại theo của dự án. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông phát triển hành lang kinh tế Đông Tây và tạo động lực phát triển cho các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT cùng chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua khẩn trương triển khai thực hiện nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Yêu cầu, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình.
Nguyễn Phê