Đại biểu Quốc hội lo kế hoạch tăng trưởng được xây dựng "một cách viển vông”

(Dân trí) - Ngay trước phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, kéo dài cả ngày 9/6 về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi tới các đại biểu Quốc hội bản báo cáo tổng hợp kết quả phiên thảo luận diễn ra trước đó (chiều ngày 25/5) về nội dung này…


Phiên thảo luận tổ chiều 25/5 vừa qua tại đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh: Quochoi.vn)

Phiên thảo luận tổ chiều 25/5 vừa qua tại đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh: Quochoi.vn)

2017, tăng trưởng GDP chỉ có thể cán mốc 6,3%?

Nhìn lại năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Năm 2016 có 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tăng GGP và tốc tăng xuất khẩu.

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu phân tích, đánh giá chỉ tiêu tốc độ tăng GDP – một chỉ tiêu tổng hợp không đạt kế hoạch trong khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế thành phần đều đạt và vượt là không hợp lý. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân việc dự báo tốc độ tăng trưởng không sát thực tế.

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng chỉ tiêu GDP lạc lậu, cần nghiên cứu cách tính chỉ tiêu khoa học hơn để dự báo chính xác hơn. Đồng thời, phải đánh giá được những mặt bị tác động (về tài nguyên, môi trường, xã hội, con người…) để đạt được tốc độ tăng GDP đề ra.

Những tháng đầu năm 2017, theo nhận định của nhiều vị đại biểu thì kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát được lạm phát, tỷ giá lãi suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP quý 1 đạt thấp, tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, xây dựng đều giảm, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp...

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2017 có nhiều yếu tố thuận lợi, có khả năng tạo ra sự tăng trưởng. Kinh tế tư nhân đang trở thành động lực của nền kinh tế do được hỗ trợ tích cực về mặt chủ trương, chính sách, pháp luật. Việt Nam tiếp tục thu hút được số lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tỷ lệ giải ngân rất cao. FDI vẫn chiếm 20% trong đóng góp vào GDP. Hợp tác, thu hút FDI, khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh sẽ tạo ra tiềm năng để thúc đẩy sự tăng trưởng. Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bản báo cáo tổng hợp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, riêng với chỉ tiêu tốc độ tăng GDP nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc chỉ tiêu này trong quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua và dự đoán tốc độ tăng GDP cả năm khó có thể đạt 6,7% như kế hoạch đề ra. Ý kiến khác cho rằng, có thể đạt tăng trưởng ở mức 6,3%.

Góp ý về giải pháp thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ phải xây dựng các kịch bản sát với thực tiễn, tính toán lại các chỉ tiêu, không xây dựng kế hoạch tăng trưởng một cách viển vông, ưu tiên, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục duy trì mục tiêu kiểm soát, khống chế lạm phát chặt chẽ.

Lợn Việt phải “giải cứu”, sao vẫn nhập thịt từ Trung Quốc?

“Giải cứu” thịt lợn là một trong những vấn đề cụ thể được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017.

Ghi nhận kết quả tích cực của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm (4 tháng đầu năm 2017, nông nghiệp tăng trưởng 2,03% trong khi 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng âm 0,18%; cuối năm 2016 đạt 1,38%), các ý kiến chỉ ra rằng lần đầu tiên tổng giá trị xuất khẩu rau, củ, quả vượt so với giá trị xuất khẩu dầu thô. Cụ thể, các tháng đầu năm 2017, thu từ rau, củ quả đạt 671 triệu USD, thu từ dầu thô đạt 650 triệu USD.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải phân tích và rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề “giải cứu” thịt lợn trong thời gian qua. Mặc dù Bộ Công thương đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương không nên tăng đàn lợn từ năm 2016, phải thận trọng trong việc xuất khẩu heo nguyên con qua đường tiểu ngạch, nhưng các cơ quan không kiểm soát được tình hình thực tế nên đã dẫn đến khủng hoảng thừa.

Các đại biểu Quốc hội nhìn nhận, sản lượng thịt lợn vẫn chưa đạt mức đề ra trong quy hoạch chăn nuôi, nhưng đã phải tiến hành “giải cứu”. Trong khi đó, việc giết mổ chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam hiện là nước duy nhất xuất khẩu lợn nguyên con, không phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu trên thế giới là cấp đông thịt mảnh.

Nghịch lý cũng rất cần quan tâm ở đây là dù thị trường trong nước tiêu thụ không hết, nhưng vẫn có tình trạng nhập khẩu thịt từ Trung Quốc. Việc bình ổn giá thịt lợn kém hiệu quả; có tình trạng thương lái ép giá…

Hiến kế giải quyết căn cơ tình trạng này, đại biểu đề nghị rà soát Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem xét đưa ra một giải pháp tổng thể về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giải quyết triệt để tình trạng “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp; đồng thời nghiên cứu thành lập Cục Xúc tiến thương mại nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Có ý kiến còn đề nghị Quốc hội dành nửa ngày để chất vấn riêng về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

P.Thảo