Đại biểu bình luận việc em chồng Bộ trưởng Y tế làm việc tại VN Pharma

(Dân trí) - Băn khoăn với quy định về phạm vi đối tượng điều chỉnh trong dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn đề nghị bổ sung quy định buộc cán bộ phải kê khai tới cả anh chị em vợ/chồng để tránh trường hợp như vụ VN Pharma, thông tin em chồng Bộ trưởng tham gia doanh nghiệp gây dư luận không tốt.

Chiều 9/11, dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét. Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp, các đại biểu Quốc hội có thời gian thảo luận tại tổ về nội dung này.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Con cán bộ 19 tuổi mà có biệt phủ nguy nga – Thật kỳ lạ!

Tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định, dự thảo luật vẫn còn xa cuộc sống, dù quy định nhiều hình thức, nội dung để phòng ngừa tham nhũng nhưng tính khả thi chưa cao.

Ông Hiểu phân tích vào một số điểm cụ thể. Về quy định kê khai tài sản, thu nhập, ông Hiểu đề nghị giữ nguyên diện đối tượng phải kê khai như hiện hành hoặc thu hẹp vào nhóm cán bộ cấp cao. Đại biểu cũng chia sẻ, trong khảo sát, lập bản đồ cảm nhận tham nhũng, có một yếu tố thường được quan tâm là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao.

“Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có việc, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà, không lạ” – ông Hiểu dẫn chứng.

Với quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ông Hiểu cho rằng có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có có tài sản trong khi con đã thành niên lại rât nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai. Mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này, theo ông Hiểu, chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.

Ông Hiểu cũng mong muốn có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu như một giải pháp để ngăn chặn tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ. Đại biểu chỉ ra, thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ về hưu rồi tự nhiên xuất hiện biệt phủ nguy nga.

Chia sẻ suy nghĩ này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Viện Tim Hà Nội) cũng nêu băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân của cán bộ.

“Như vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của Bộ trưởng tham gia. Việc này dù có được giải thích em chồng không thuộc đối tượng phải kê khai trong bảng kê của tài sản của Bộ trưởng thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt rồi. Vậy thì phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng” – bác sỹ Tuấn khuyến cáo.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn: Vụ em chồng Bộ trưởng dù đã được giải thích vẫn tạo dư luận không tốt.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn: "Vụ em chồng Bộ trưởng dù đã được giải thích vẫn tạo dư luận không tốt".

Đồng ý với những lập luận các đồng nghiệp đưa ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cũng cho rằng, buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu.

Dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh, TPHCM mà dư luận nêu vấn đề gần đây, ông Trí bình luận: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Doanh nghiệp tư là “sân sau” của cán bộ tham nhũng

Một vấn đề khác nhận nhiều ý kiến là về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang cả khu vực ngoài nhà nước.

Tán thành chủ trương này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu khuyến cáo, không nên nghĩ đưa thêm khu vực tư vào thì nhà nước sẽ phải thêm lực lượng, thêm nguồn lực cho bộ máy chống tham nhũng mà phải xác định, “tội phạm tham nhũng hiện đang có sân sau”. Chính khu vực công đang bắt tay với khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng, để chuyển tài sản tham nhũng ra ngoài.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nêu nhận xét, trong khu vực tư nhân có hiện tượng doanh nghiệp lớn mạnh, doanh nghiệp “cá mập” đi đâu, làm gì cũng thuận lợi trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó khăn, rên siết. Đó là vì các doanh nghiệp lớn đã bắt tay chặt chẽ với quan chức nhà nước, lũng đoạn cả xã hội.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp lớn lại được phân bổ đất nhiều thế, vay vốn nhiều thế... ? Rõ ràng khu vực tư, có người đã dùng lợi ích để tác động vào cơ quan, cán bộ công chức nhà nước. Vậy thì cần quy định, trong trường hợp này, bị phát hiện, doanh nghiệp cũng sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản” – bà Khánh đề nghị.

P.Thảo