Kỳ họp 11 HĐND khóa VIII tỉnh Bạc Liêu:

Cử tri băn khoăn nhiều vấn đề xã hội nổi cộm

(Dân trí) - Mũ bảo hiểm kém chất lượng, phân bón giả, những chính sách cho hộ nghèo còn bất cập… là những vấn đề nổi cộm mà người dân Bạc Liêu phản ánh đến kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, diễn ra từ ngày 15 - 16/7.

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp nông thôn, môi trường, xây dựng, thương mại… được đông đảo cử tri phản ánh và kiến nghị đến lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tại kỳ họp, thay mặt UBND tỉnh, ông Lê Thanh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu - đã trả lời một số phản ánh của các cử tri trong tỉnh.

Không biết mũ bảo hiểm nào chất lượng

Cử tri Bạc Liêu phản ánh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu giả; giá lúa, giá vật tư nông nghiệp còn tăng giảm khó lường… làm người dân bất an, đề nghị tỉnh có biện pháp xử lý để bà con nhân dân an tâm sản xuất.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, để bình ổn giá lúa, hàng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát chi phí và giá thành sản xuất các vụ lúa trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả khảo sát thực tế chi phí, giá thành sản xuất các vụ lúa để đề xuất Trung ương quyết định trợ giá mua lúa hàng hóa theo hướng đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30%, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
Khi giá lúa bán trên thị trường thấp hoặc bằng giá thành sản xuất lúa, UBND tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ cho chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo để hỗ trợ thị trường, giúp nông dân tiêu thụ lúa, gạo và tăng thêm thu nhập. Với giá bán lúa hàng hóa hiện nay (5.200 đồng- 5.700 đồng/kg) thì tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư đạt từ 21,49 – 33,18% tùy theo từng loại giống lúa.

Hiện nay, nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu nhập từ nước ngoài nên giá phân, thuốc bảo vệ thực vật cao hay thấp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và dự báo trong những năm tới vẫn còn ở mức cao. Việc bình ổn giá vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ và Bộ Công thương. Để giảm chi phí mua vật tư nông nghiệp trong sản xuất, UBND tỉnh khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng các loại vật tư có chất lượng và khi sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật phải theo 4 nguyên tắc đúng: đúng loại vật tư, sử dụng đúng lúc, đúng liều lượng và đúng phương pháp.

Về tình trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung, lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nói riêng còn nhiều hành vi gian lận thương mại, gây thiệt hại đến sản xuất và thu nhập của nông dân. Ông Dũng cho rằng, đây không chỉ là sự bức xúc của cử tri tỉnh Bạc Liêu mà còn là nỗi trăn trở, bức xúc của cử tri cả nước. UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 của tỉnh, các Sở, ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, TP tập trung tăng cường quản lý nhà nước chuyên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm để hạn chế tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

“Để tránh mua phải hàng giả, đề nghị bà con nông dân chỉ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các cơ sở có đăng ký hành nghề, có uy tín được xếp hạng tốt và có giấy chứng nhận cơ sở đạt loại A niêm yết công khai tại cơ sở. Không nên mua ở những cơ sở buôn bán không đăng ký, hàng hóa không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường”- ông Dũng khuyến nghị.

Cử tri Bạc Liêu cũng phản ánh khi mua mũ bảo hiểm không phân biệt được mũ đạt hay không đạt chất lượng, khi tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì mới biết là mũ không đạt chất lượng. Do đó, cử tri đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm được bày bán tại các cơ sở trong tỉnh.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30 cơ sở kinh doanh nón bảo hiểm. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh nón bảo hiểm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về tác hại của việc sử dụng nón bảo hiểm không đạt chất lượng. Qua kiểm tra vẫn còn một số điểm bán ở chợ đêm TP Bạc Liêu và chợ đêm huyện Giá Rai vi phạm trong kinh doanh nón bảo hiểm. Kết quả kiểm tra năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 trên đị bàn tỉnh Bạc Liêu đã xử lý 7 cơ sở kinh doanh nón bảo hiểm vi phạm, phạt tiền 7 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy 1.360 nón bảo hiểm.

“Người tham gia giao thông nên chọn mua nón bảo hiểm ở những cơ sở kinh doanh có uy tín và chỉ nên đội nón bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông”- ông Dũng nhấn mạnh. Ông Dũng nói thêm, tại cuộc họp vào đầu tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng kết luận, các lực lượng tuần tra kiểm soát chưa xử phạt đối với người tham gia giao thông đội nón bảo hiểm không đạt chất lượng.

Cử tri băn khoăn nhiều vấn đề xã hội nổi cộm
Nón bảo hiểm bán tràn lan, người dân không biết nón nào là chất lượng. Đề nghị các ngành chức năng kiểm tra xử lý để người dân an tâm. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Đề nghị hỗ trợ hết các hạng thương binh

Nhiều cử tri Bạc Liêu cũng phản ánh việc hỗ trợ hộ nghèo vài triệu đồng là quá ít nên khó thoát nghèo. Ông Lê Thanh Dũng bày tỏ: “UBND tỉnh xin ghi nhận và mong bà con nhân dân chia sẻ khó khăn chung với tỉnh”. 

Ông Dũng cho biết, nguồn vốn hỗ trợ này là trích từ tiền lương của cán bộ, công chức và người lao động ở các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp trong tỉnh nên mức hỗ trợ cũng hạn chế và đây cũng là phần hỗ trợ thêm cùng với sự cố gắng, quyết tâm vươn lên của hộ nghèo thì mới thoát nghèo. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai đồng bộ các chính sách khác như bảo hiểm y tế, giảm học phí, cho vay vốn lãi suất, xây dựng nhà tình thương cho những hộ nghèo khó khăn về nhà ở…cũng là biện pháp giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Liên quan đến vấn đề trên, người dân cũng phản ánh, một số đơn vị nhận hỗ trợ hộ nghèo cũng ít xuống thăm hộ đó mà chủ yếu xuống hỗ trợ vốn hoặc phương tiện là xong. Về việc này, ông Lê Thanh Dũng chia sẻ: “UBND tỉnh xin tiếp thu ghi nhận và sẽ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn để khuyến khích hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo”.

Nhân dân cử tri cũng phản ánh, tỉnh cần hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho thương binh hạng 1/4, 2/4, 3/4, 4/4 sẽ phù hợp hơn vì người nào cũng có công và đổ xương máu, sao chỉ hỗ trợ cho thương binh 1/4 và 2/4, nên đề nghị xem xét hỗ trợ hết cho các hạng thương binh.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, các cơ quan đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ, hỗ trợ cho thương binh các hạng 1/4 và 2/4 có tỷ lệ bị mất sức lao động cao từ 61% trở lên mỗi người 1 triệu đồng/tháng nhằm tri ân sự đóng góp xương máu và giảm bớt sự khó khăn cho các thương binh nặng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lý giải thêm, năm 2014, tỉnh chỉ hỗ trợ thương binh 1/4 và 2/4 có mức sống từ trung bình trở xuống nhằm góp phần nâng cao mức sống của hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên do nguồn hỗ trợ cho các đối tượng này là từ nguồn vận động đóng góp của các cán bộ, công chức, đơn vị doanh nghiệp nên nguồn kinh phí còn rất hạn chế, chỉ hỗ trợ thương binh hạng 1/4 và 2/4 và có mức sống từ trung bình trở xuống nên mong cử tri thông cảm, chia sẻ khó khăn với tỉnh”- ông Dũng nhấn mạnh.

                                                                                                Huỳnh Hải