Cần Thơ:
Chủ tịch Quốc hội: Sẽ quan tâm bàn sâu vấn đề thực phẩm bẩn
(Dân trí) - Ngày 5/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ƯCV ĐBQH) khóa XIV, đơn vị số 1 TP Cần Thơ gặp gỡ tiếp xúc cử tri tại phường Tân Phú, quận Cái Răng TP Cần Thơ.
Năm người của đơn vị bầu cử số 1 của TP Cần Thơ gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng quốc phòng và An ninh; bà Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; Hòa Thượng Đào Như, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ; Nguyễn Thanh Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc các cử tri, tập trung phản ánh các bức xúc về an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thu hút nhân tài về địa phương, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả thị trường...
Cử tri Mai Thanh Hùng - phường Tân Phú, cho rằng: Vấn đề chính sách an sinh xã hội, điện đường trường trạm, cần đầu tư đồng bộ bởi hiện nay sự chênh lệch đầu tư giữa các địa phương còn cao. "Cần có chính sách đưa cán bộ xuống xã phường hướng dẫn cho người dân trồng cây gì con gì, lâu nay chúng tôi như kiến bò trong dĩa không biết trồng cây gì, nuôi con gì...", cử tri Hùng nêu ý kiến.
Cử tri Lê Kiến Thiết, KV Phú Lợi thì đề nghị các ƯCV khóa XIV này nếu trúng cử cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân, thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình hành động và giải quyết những bức xúc và sớm giải quyết cho bà con cử tri.
Còn cử tri Lê Thành Nghiệp, phường Tân Phú thì mong muốn Quốc hội sẽ cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chủ trương phát triển đất nước phù hợp. Có chính sách khuyến khích đào tạo nghề, đặc biệt là chất lượng đào tạo, chính sách thu hút nhân tài phục vụ cho vùng sâu vùng xa của vùng ĐBSCL. Phương pháp đào tạo nhiều nơi chưa đồng đều, chưa đảm bảo, chưa phù hợp với nhu cầu.
Trả lời các ý kiến của cử tri, ƯCV Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Các ý kiến của cử tri là đúng đắn, chúng tôi ghi nhận. Về vấn đề hàng gian hàng giả, kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng chất cấm, đây là vấn đề mà Quốc hội rất quan tâm, sắp tới sẽ thảo luận sâu hơn trong các phiên họp.
Còn về nông nghiệp của vùng ĐBSCL thường xảy ra điệp khúc “được mùa mất giá”, đó là quy luật của thị trường. Tuy nhiên nhiệm vụ của nhà nước chúng ta phải điều tiết quy hoạch các sản phẩm, vùng nuôi và thị trường sao cho phù hợp làm sao có lợi cho người dân...
Về việc thu hút người có trình độ sau đào tạo, đây là ý kiến và mong muốn đúng đắn của nhiều cử tri. Thời gian qua chúng ta đang có chính sách thu hút người có trình độ về phục vụ cho vùng sâu vùng xa. Chúng ta đang có chương trình đưa các sinh viên, cử nhân về làm phó chủ tịch các xã miền núi, vùng sâu, xa. Sau 3 năm thực hiện, bước đầu đa số các cán bộ này đã trưởng thành và đảm nhiều chức vụ chủ chốt. ĐBSCL có thể thực hiện mô hình thu hút nhân tài này về vùng sâu vùng xa.
Về ý kiến gửi gắm của cử tri về chế độ cho cán bộ cơ sở, ấp xã, khu phố. Hiện nay quy định mới chỉ có chế độ cấp xã, tuy nhiên ý kiến của cử tri về chế độ cho ấp, khu phố rất nhiều, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Nội vụ tính toán lại. Lực lượng cán bộ cơ sở rất vất vả vì vậy sẽ chú ý và hoàn thiện chế độ tránh thiệt thòi cho cán bộ cấp dưới. Tuy nhiên quá trình thay đổi đòi hỏi phải có thời gian…".
Phạm Tâm