Chủ tịch Quốc hội điều hành thảo luận việc tinh gọn bộ máy
(Dân trí) - 10/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng dành trọn ngày làm việc thứ sáu trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 6 để bàn về việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị.
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ sáu từ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường cả ngày, thảo luận về Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Để chuẩn bị xây dựng đề án này, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu, rà soát thực trạng tổ chức các cơ quan trong hệ thống chính trị làm cơ sở "tái cơ cấu" cả ba hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước cùng MTTQ và các tổ chức thành viên.
Ở khối Chính phủ, tính chung các cơ quan Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ (từ khóa XI đến nay là khóa XIV), số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Chỉ tính riêng Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ.
Nhiệm vụ một số bộ, ngành còn chồng chéo, chẳng hạn ngành tài chính với KH&ĐT, GTVT với xây dựng.
Hệ thống các cơ quan Đảng thì một số cơ quan tham mưu cũng có phần chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan nhà nước, như ban tổ chức với cơ quan nội vụ, ủy ban kiểm tra với thanh tra và tuyên giáo với TT&TT.
Về đơn vị hành chính lãnh thổ, cả nước sau nhiều lần chia tách có 63 đơn vị cấp tỉnh, 713 cấp huyện và 11.162 cấp xã - quá nhỏ lẻ so với 38 tỉnh, thành, gần 500 huyện của năm 1976.
Đáng chú ý, nếu xét theo các tiêu chí mà Quốc hội đặt ra năm 2016 thì có tới 49 huyện (9%), 3.363 xã (37%) chưa đạt hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số và có tới 724 xã chưa đạt một nửa tiêu chí…
Cơ quan chủ trì xây dựng đề án kiến nghị bóc tách việc nào đã rõ, cần và có thể thực hiện thì làm ngay. Những gì còn mới, chưa tiền lệ nhưng thực tiễn đòi hỏi thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện.
Cụ thể, với 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đến nay đã thấy rõ không còn cần thiết nữa, đề nghị đưa ra là cho kết thúc hoạt động. Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thì chuyển về Ban Nội chính và tổ chức lại cho phù hợp. Với các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên thì từ nay đến năm 2021 phải hoàn thành sắp xếp lại...
P.T