Chủ tịch nước: “Tố cáo nặc danh đúng thì vẫn vào cuộc”
(Dân trí) - Theo các cử tri, người dân phải tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập, nên đề nghị xem xét thư nặc danh như 1 nguồn tin. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: “Nếu người viết ra không dám ký tên mà sự việc đúng thì cơ quan chức năng vẫn vào cuộc”.
Trong buổi tiếp xúc trước kỳ họp Quốc hội với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Đại biểu Quốc hội mới đây, cử tri TPHCM đã đóng góp nhiều ý kiến về các luật đang được Quốc hội bàn thảo, đặc biệt là các luật quan trọng như: Luật Biểu tình, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai...
Cử tri Lê Minh Số (quận 1) cho rằng, hiện nước ta có quá nhiều dự án luật nhưng chưa đủ để đất nước quản lý theo luật pháp. Phải nghiên cứu luật nào cần thiết thì làm trước, luật nào chưa cần thiết thì làm sau.
"Luật Biểu tình đã dự thảo lâu rồi mà chưa động tĩnh gì trong khi lâu nay lùng nhùng khá nhiều. Cần sớm đưa vào dự án luật, xây dựng Luật Biểu tình chặt chẽ, để quản lý được", ông Số nói.
Cũng theo cử tri này, Luật Phòng chống tham nhũng còn quá nhiều kẽ hở. Nhiều đối tượng lợi dụng điều này để lách luật và làm những điều mà chúng ta không xử phạt được. Do đó, phải sửa đổi một cách chặt chẽ, hiệu lực cao, đủ sức răn đe, phù hợp điều kiện hiện nay.
Cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) đề nghị chưa nên bỏ thư nặc danh. "Tại sao người tố cáo không dám để tên? Vì họ sợ. Có gia đình nhiều người làm quan huyện, dòng họ làm quan thì người tố cáo làm sao dám ký tên tố cáo? Nếu biết, dòng họ cán bộ này xuống trù chết. Kỳ họp tới, Quốc hội bàn về việc này. Tôi đề nghị những thư nặc danh này vẫn có giá trị", ông Tùng nêu quan điểm.
Cử tri Phạm Huy Chiến (quận 3) đề nghị mở rộng hình thức tố cáo bằng đơn thư qua email cho phù hợp với Chính phủ điện tử.
Trong khi đó, cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) đề nghị, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần thiết cho phép ghi âm, ghi hình qua điện thoại. Đây là tài liệu tham khảo và có thể giám định được.
Bà Lợi cũng nhắc lại vụ ông Ngô Quang Chướng (Giám đốc công ty Hoàng Hải, Hóc Môn) vì bị cấp phó ngăn không cho phân lô bán nền nên xảy ra mâu thuẫn. Khi cấp phó lên chính quyền TPHCM tố cáo thì ông Chưởng cho Luân con - giang hồ Hải Phòng cùng đàn em chém chết.
"Từ dẫn chứng trên, trong luật cần quy định: người tiết lộ thông tin người tố cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể khiển trách. Đề nghị bỏ quy định người tố cáo phải làm văn bản xin được bảo vệ. Trong khi chờ làm văn bản xin được bảo vệ thì chỉ một ca axit, họ đã bị thủ tiêu. Nhất thiết cơ quan điều tra phải bảo vệ nhân chứng chứ không để người ta xin được bảo vệ", bà Lợi đề xuất.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, ông ghi nhận các ý kiến đóng góp về soạn thảo các dự án luật của cử tri. Những đóng góp này rất tâm huyết và giá trị.
"Chúng ta là nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật nên thượng tôn pháp luật để xứng đáng là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chương trình làm luật của các kỳ Quốc hội còn rất nặng. Chắc chắn sẽ tham khảo ý kiến cử tri và các dự án luật của nước ngoài khi làm", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho biết, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Dự án Luật Phòng chống tham nhũng. Dự án Luật Đất đai rất quan trọng, các vụ tranh chấp khiếu kiện cũng từ Luật Đất đai. Tranh chấp, cổ phần hoá doanh nghiệp cũng liên quan đến đất đai. Do đó, cũng sẽ cân nhắc kỹ khi soạn thảo, sửa đổi.
Đối với Luật Phòng chống tham nhũng, đơn thư nặc danh có 2 mặt: sợ bị trả thù nên không dám ghi tên, nhưng cũng có người lợi dụng tự do dân chủ để gây rối nội bộ, bôi nhọ người này người kia.
"Theo nguyên tắc là không xem xét đơn không địa chỉ, không tên người tố cáo... Nhưng nếu ghi rõ vụ việc cụ thể thì cơ quan chức năng sẽ xem xét tình hình. Nếu người viết ra không dám ký tên mà sự việc đúng như thế thì cơ quan chức năng vẫn vào cuộc", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, các dự án luật phải bảo vệ người tố cáo, khuyến khích, đề cao trách nhiệm công dân. Do đó, cái gì người tố cáo biết thì nói rõ; không nên nặc danh để làm khó cơ quan chức năng.
Công Quang