Chủ tịch nước lắng nghe chia sẻ của ngư dân

(Dân trí) – Chiều ngày 14/4, trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm bà con ngư dân xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân trong việc đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Theo báo cáo của UBND huyện Núi Thành, hiện địa phương có nghề khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Đến nay, toàn huyện có trên 1.500 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất trên 103.000 CV (chiếm gần 37% tổng số tàu thuyền khai thác của tỉnh), trong đó có 217 chiếc đánh bắt xa bờ (có công suất từ 90 CV trở lên), chiếm tỉ lệ gần 70% số tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Nam.

Chủ tịch Trương Tấn Sang trò chuyện với bà con ngư dân tại cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành
Chủ tịch Trương Tấn Sang trò chuyện với bà con ngư dân tại cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành

Ngoài ra, số lao động đánh bắt thủy sản của huyện hiện lên đến 8.700 ngư dân (chiếm trên 47% số lao động nghề cá của tỉnh). Ngư trường khai thác xa bờ chủ yếu là khu vực Hoàng Sa và Trường Sa với sản lượng khai thác năm 2012 đạt 34.000 tấn, giá trị đạt gần 840 tỉ đồng.

Dịp này, Chủ tịch nước đã trao tăng quà và 3 máy liên lạc tầm xa Icom cho ngư dân ba xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang (huyện Núi Thành); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng trao tặng 10 bảo hiểm thuyền viên, 10 bảo hiểm thân tàu và một bộ thiết bị trạm bờ cho ngư dân các xã của huyện Núi Thành với tổng giá trị hơn 5,7 tỉ đồng.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để bà con có điều kiện cải tạo và đóng mới tàu thuyền với mức hỗ trợ từ 500 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Hiện tỉnh đã thẩm định 9 dự án cho các tàu xa bờ của huyện với tổng số tiền 12 tỉ đồng.

Dẫu vậy, theo bà con ngư dân cho biết, thời gian qua việc hỗ trợ cũng như các chính sách đối với ngư dân còn nhiều bất cập.

Ngư dân Phan Vĩnh Tiến – đại diện nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang phản ảnh với Chủ tịch nước: Hiện nghiệp đoàn có 10 chiếc tàu cá từ 600 CV trở lên (chiếm 30% số tàu cá của nghiệp đoàn xã) đánh bắt xa bờ và có hiệu quả, còn lại là tàu nhỏ đánh bắt gần bờ và không dám vươn khơi xa. Hiện ngư dân đang khát khao nguồn vốn để vươn khơi xa nhưng vốn quá ít.
 
Trao quà đến bà con ngư dân
Trao quà đến bà con ngư dân

Ngư dân Phan Vĩnh Tiến cũng cho biết, hiện muốn vay ngân hàng phải có phương tiện thế chấp, nhiều ngư dân không có điều kiện thế chấp thì không thể có tàu để vươn khơi xa được.

Mặt khác, nhiều ngư dân có khoảng 40% vốn tự có nhưng muốn đóng tàu lớn phải chung với nhiều ngư dân khác và vay ngân hàng để đủ đóng tàu. Tuy nhiên, nguồn vốn của ngân hàng không phải lúc nào cũng có để ngư dân vay.

Ngư dân Phan Vĩnh Tiến đề xuất, Đảng và Nhà nước nên tạo điều kiện để bà con ngư dân được vay vốn với hạn mức nhiều hơn, thời gian dài hơn và lãi suất thấp. Mặt khác, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất để ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu lớn bám biển dài ngày.

Ngư dân Lê Văn Trinh (xã Tam Quang) đề nghị, vốn vay ngân hàng dành cho ngư dân ngắn nhất là 5 năm và dài nhất là khoảng 10 năm để bà con có thời gian trả vốn, lãi và thời gian khấu hao để đóng mới tàu cá.
 
Chủ tịch thăm tàu câu mực của ngư dân Phạm Văn Huy đang đậu tại cảng
Chủ tịch thăm tàu câu mực của ngư dân Phạm Văn Huy đang đậu tại cảng

“Ngư dân chúng tôi mong muốn đóng những con tàu khoảng 4 tỉ mới đủ điều kiện bám biển xa. Hiện lãi suất ngân hàng 13%/năm đối với ngư dân chúng tôi là cao lắm”, ông Trinh nói.

Còn ngư dân Phạm Văn Huy, chủ tàu câu mực QNg 91757 phản ảnh, hiện mỗi chuyến biển tàu ông chạy hết trên 20 tấn dầu nhưng chỉ được hỗ trợ 60 triệu mỗi chuyến là không đủ. Mặt khác, mỗi năm ông ra biển chỉ có 4 chuyến nhưng chỉ được hỗ trợ từ 2-3 chuyến nên đề nghị hỗ trợ thêm.
 
Sau khi nghe bà con ngư dân phản ảnh, Chủ tịch Trương Tấn Sang “phỏng vấn” tại chỗ về các chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước đối với các ngư dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị bà con ngư dân ở xã Tam Quang nói riêng và huyện Núi Thành cũng như tỉnh Quảng Nam nói chung phải biết đoàn kết, củng cố xây dựng lực lượng nghiệp đoàn nghề cá vững mạnh, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, vốn liếng làm thế nào để đầu tư phương tiện đánh bắt tốt hơn.

“Trước đây tôi đến đây thấy ở đây hoang vu lắm. Lần sau tôi đến đây tôi tin đời sống của bà con ngư dân sẽ khá hơn, phương tiện đánh bắt sẽ phát triển hơn”, Chủ tịch Trương Tấn Sang tâm sự với bà con ngư dân.

Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng mong bà con ngư dân nói hết sự thật những thuận lợi cũng như khó khăn của mình trong quá trình đánh bắt cá trên biển, từ đó Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách thuận lợi để bà con yên tâm bám biển và vươn khơi xa.
 
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đến thăm Cảnh sát biển vùng 2 đóng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam). Tại đây, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo Cảnh sát biển vùng 2 báo cáo tóm tắt về tình hình của đơn vị.

Được thành lập từ tháng 3/2004, Cảnh sát biển vùng 2 bảo vệ vùng biển từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định). Đây là vùng biển rộng lớn và phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Thời gian qua, Cảnh sát biển vùng 2 đã phát hiện và đẩy đuổi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép và xử lý hàng chục lượt. Ngoài ra, đơn vị cũng tuần tra kiểm soát và phát hiện nhiều vụ buôn lậu trên biển với giá trị gần 10 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thực hiện việc tổ chức tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhiều tàu cá của ngư dân trên vùng biển…

Nói chuyện với cán bộ Cảnh sát biển vùng 2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương lực lượng trong thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm an ninh chính trị trên vùng biển rộng lớn. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng căn dặn cán bộ Cảnh sát biển vùng 2 làm thế nào để bảo vệ hoạt động đánh bắt cá bình thường của ngư dân trên vùng biển chủ quyền.  

 Công Bính