Chủ tịch nước: “Kiên quyết không kết án oan và bỏ lọt tội phạm”

(Dân trí) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm.

 

Chủ tịch nước: “Kiên quyết không kết án oan và bỏ lọt tội phạm”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của ngành Tòa án nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

 

 

Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 của ngành tòa án nhân dân diễn ra ngày 22/1, tại Hà Nội.

 

Tại hội nghị, tham luận của các đại biểu đại diện tòa án các cấp khẳng định, năm qua, trong điều kiện thiếu cán bộ, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc hạn chế, số lượng các loại vụ án phải giải quyết rất lớn, trên 360 nghìn vụ án, nhưng ngành Tòa án đã đạt được những kết quả quan trọng: tỷ lệ số vụ án được thụ lý tăng lên trên 332 nghìn vụ, đạt 92%; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

 

Chất lượng công tác xét xử được nâng lên; hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được quan tâm tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng và không quá thời hạn theo quy định của pháp luật.

 

Những sai sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn từng bước được khắc phục; công tác xây dựng ngành có tiến bộ, công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả; triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp có bước tiến bộ. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của ngành Tòa án nhân dân tiếp tục được tăng cường, các thỏa thuận đã ký với các nước được triển khai thực hiện có kết quả.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương và ghi nhận những thành tích, những đóng góp của ngành Tòa án nhân dân trong năm qua. Chủ tịch cho rằng, mặc dù trong năm 2012 không để xảy ra trường hợp nào xét xử oan, nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án bị hủy vẫn chưa giảm mạnh, tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn chưa kịp thời, nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế. Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là trong lĩnh vực dân sự, tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm, tồn đọng nhiều.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân tuy đã có bước tiến bộ nhưng về cơ bản vẫn chưa khắc phục được tình trạng “thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ”; vẫn còn một số cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật bị xử lý, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Tòa án; dư luận xã hội còn nhiều nghi ngờ về tính khách quan, nghiêm minh của hoạt động xét xử. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ngành chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cải cách hành chính tư pháp đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Chủ tịch nhấn mạnh, đây là những yếu kém, bất cập của ngành mà hội nghị cần thảo luận nghiêm túc để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục.

 

Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2013, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhất định sẽ giành được những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Chủ tịch nước tin tưởng cùng với toàn Đảng, toàn dân, ngành Tòa án nhân dân nhất định sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

Gợi mở nhiều nội dung sâu sắc giúp các đại biểu thảo luận, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án nhân dân tập trung vào năm nhiệm vụ trọng tâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành trong năm 2013. Đó là, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan; chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về tham nhũng. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án.

 

Giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Khắc phục triệt để tình trạng để kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn, việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đúng pháp luật.

 

Để làm được các điều này, bên cạnh các biện pháp về công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần thường xuyên kiểm tra việc tổ chức công tác xét xử ở Tòa án các cấp, làm tốt công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong hoạt động xét xử. Tòa án nhân dân tối cao phải làm tốt việc tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn xét xử các loại vụ án.

 

Các Tòa án cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng, nâng cao bản lĩnh Thẩm phán; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; tranh tụng tại phiên tòa làm rõ sự thật về các tình tiết của vụ án là hết sức quan trọng để các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục cao.

 

Ngành tòa án tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ Thẩm phán, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, tương lai là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý Tòa án các cấp; hoàn thiện cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng “Bộ tiêu chuẩn” các chức danh công chức ngành tòa án nhân dân.

 

Ngành tòa án nhân dân cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp theo sự phân công của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đặc biệt là Đề án chi tiết thành lập tòa án nhân dân 4 cấp. Nghiên cứu, đề xuất về phát triển án lệ trong hoạt động xét xử, nhằm góp phần bảo đảm hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất và nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

 

Theo Hoàng Giang
 TTXVN