Chủ tịch nước: Đề nghị Italia phát huy tiếng nói trong vấn đề Biển Đông
(Dân trí) - Hội đàm với Tổng thống Italia, ngài Sergio Mattarella, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Italia phát huy tiếng nói trong khối G7 và EU, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chiều ngày 6/11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Italia, ngài Sergio Mattarella, đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-8/11.
Việt nam, 10 thị trường mới nổi ưu tiên của Italia
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với Ngài Tổng thống và đoàn các nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhấn mạnh chú trọng đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, truyền thống đi vào chiều sâu, trong đó Italia chiếm một vị trí quan trọng.
Hai nhà lãnh đạo cũng đều đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, giúp Việt Nam và Italia nâng cao vị thế quốc tế, đặc biệt trong những lĩnh vực giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh biển.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới, trong đó chú trọng trao đổi, phát huy mọi hình thức hợp tác ở cấp Chính phủ cũng như các địa phương, triển khai hiệu quả kế hoạch hành động 2015-2016; phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại và Ủy ban hỗn hợp.
Ngài Tổng thống nhất trí sẽ thúc đẩy Quốc hội Italia sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam- EU ký năm 2012 hiện chỉ còn 4 nước chưa phê chuẩn, đồng thời khẳng định Italia hoàn toàn ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nạm.
Italia đã đưa Việt nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại, đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Italia có kế hoạch kinh doanh lâu dài và đang triển khai các dự án rất hiệu quả tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam quan tâm, tạo điều kiên hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp Italia.
Ngài Tổng thống nhất trí hai nước cần khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối đối tác kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh, như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dược liệu, tăm dò và khai thác dầu khí.
Italia sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam ở những lĩnh vực truyền thống của Italia. Hai nước sẽ xây dựng định hướng phát triểm mới phù hợp với yêu cầu hiện tại và tương lai trên cơ sở phát huy thành công của các dự án hiện có, Tổng thống Italia cho biết thêm.
Ủng hộ lập trường giải quyết tranh chấp của Việt Nam
Về vấn đề khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sergio Mattarella đã trao đổi về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa Châu Âu và Đông Á.
Chủ tịch nước đề nghị Italia phát huy tiếng nói trong khối G7 và EU, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước của LHQ về luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tổng thống Italia khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không và đảm bảo an toàn, an ninh khu vực.
Tổng thống Italia Sergio Mattarella tán thành và chia sẻ với các đánh giá, đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho rằng hai nước còn có nhiều triển vọng hợp tác dựa trên tính bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về phương hướng hợp tác văn hóa- du lịch- giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; phát huy hiệp định hợp tác du lịch đã ký năm 2009; tăng cường hợp tác giữa các Đại học của hai nước, gắn giáo dục với hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nghề; tạo điều kiện tích cực để cộng đồng người Việt nam hiện đang sinh sống tại Italia hòa nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời phát huy vai trò cầu nối tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Nam Hằng