Tổng Bí thư: “Đợi kết quả Quốc hội bầu Chủ tịch nước, sẽ hứa hẹn sau”
(Dân trí) - "Việc giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước, tất cả Trung ương đều đồng ý. Hiện nay bước đầu dư luận trong nước, quốc tế, đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tùy thuộc vào kết quả Quốc hội bầu, lúc bấy giờ có gì sẽ hứa hẹn sau" - Tổng Bí thư đáp lời các cử tri Hoàn Kiếm, Ba Đình...
Hội nghị tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng nay, 8/10, ghi nhận ý kiến của nhiều cử tri đồng tình, hoan nghênh việc TƯ thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước tại hội nghị TƯ 8 vừa diễn ra. Đại diện cho chính quyền thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Hạnh (cử tri phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết, cá nhân ông và nhiều cử tri rất phấn khởi trước thành công của Hội nghị TƯ 8. Theo ông Hạnh, đây là một hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn của TƯ tiến cử Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
“TƯ đã giới thiệu người có đủ đức, tài, đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và kính mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và Nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn” – cử tri Lê Đức Hạnh nói.
Cử tri Ngô Văn Thành (phường Điện Biên, quận Ba Đình) nhận xét, dư luận rất đồng tình với việc 100% Ủy viên TƯ tán thành giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Bản thân ông cũng nhất trí cao với đề xuất của hội nghị TƯ lần này.
Ông Trần Văn Ngọc (cử tri quận Ba Đình) cũng bày tỏ nhất trí với việc TƯ giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bầu làm Chủ tịch nước và nhấn mạnh, đây là lòng dân, ý Đảng nên mong Quốc hội đồng thuận.
Tiếp nhận những ý kiến của cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu với tư cách một Uỷ viên TƯ Đảng. Ông chia sẻ thêm thông tin về việc 100% Uỷ viên TƯ nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước tại hội nghị TƯ 8 vừa diễn ra.
Theo ông Chung, việc Tổng Bí thư của một Đảng ra ứng cử chức danh Chủ tịch nước không phải giờ mới đặt ra mà đã có từ lâu, nhưng đến nay, với điều kiện khách quan, đòi hỏi thực tiễn, việc này phù hợp với quá trình cải cách thể chế, có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho quá trình đối ngoại và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Chung cũng chia sẻ thêm, trong quá trình thảo luận, chỉ có một vấn đề các Uỷ viên TƯ tâm tư là với việc đồng thời làm Chủ tịch nước, cá nhân Tổng Bí thư sẽ gánh vác trọng trách nặng nề hơn.
“Nhưng chúng tôi tin với sự tín nhiệm cao, với trí tuệ của Tổng Bí thư thì Quốc hội sẽ đồng thuận, bởi đây là vấn đề được thống nhất cao trong Đảng và thuận lòng dân” – ông Chung nói.
Xung quanh vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không nên nói Tổng Bí thư "kiêm" Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau vì nói kiêm thì biết "vai nào là chính, vai nào là phụ". Và cũng không nên nói là “nhất thể hóa”.
“Tất cả Trung ương đều đồng ý, hiện nay bước đầu dư luận trong nước, quốc tế, đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tùy thuộc vào kết quả Quốc hội bầu, lúc bấy giờ có gì sẽ hứa hẹn sau” -Tổng Bí thư phát biểui.
Việc xử lý cán bộ rất nghiêm khắc, nhưng cũng phải rất nhân văn
Phát biểu chốt lại hội nghị tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trước hết vấn đề mà “kỳ tiếp xúc nào cử tri cũng quan tâm”, đó là chuyện chống tham nhũng, lãng phí. Nội dung nổi lên trong chuyện chống tham nhũng lần này là việc xử lý án tham nhũng, vấn đề kê khai tài sản của cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, việc xử lý cán bộ rất nghiêm khắc nhưng cũng phải rất nhân văn, với mục đích chính “chống cũng là để… xây”.
Theo Tổng Bí thư, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thể hiện trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được bàn nhiều. Quốc hội đã thảo luận về dự án luật, tới kỳ họp thứ 6 này đã là đến lần thứ 3, chưa biết có thể thông qua được không.
Tổng Bí thư phân tích, kê khai, công khai, kiểm soát tài sản là vấn đề khó vì sự “thiên biến vạn hoá”, lại liên quan đến quyền của công dân về bí mật tài sản. Ở các nước cũng khác quy định cũng vậy, không thể cứ công bố bản kê khai tài sản của cán bộ là xong. Vấn đề cơ bản là kê khai mà không kiểm soát được tài sản sẽ dẫn đến trí trá, hình thức trong kê khai.
Về vấn đề xử lý án tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định, vừa qua tình trạng án chậm, muộn đã được khắc phục nhiều. Trước đây, có những vụ án kéo dài nhiều năm nhưng gần đây, vụ nào được đưa ra là đều làm đến nơi đến chốn. Vấn đề, theo Tổng Bí thư là quy trình xem xét phải qua nhiều khâu, phải có chứng cứ, phải thuyết phục. Nhiều vụ việc gần đây đã được tập trung làm quyết liệt, hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Tổng Bí thư cũng giải thích, án tham nhũng không phải chỉ làm một lần, một người là xong mà thường mỗi vụ việc lại “dính” nhiều người, mỗi tội lại liên quan đến những “ông” khác, “dắt dây nhau”. Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng khái quát, các vụ đã đưa ra xử thời gian qua về cơ bản đúng mức độ, tội danh đến mức nào xử đến đó. Việc xử lý cán bộ rất nghiêm khắc nhưng cũng phải rất nhân văn, không phải nặng mới ngiêm khắc mà xử để người sai phạm phải để thấy vấn đề vì mục đích chính “chống cũng là để… xây”.
“Như vừa rồi, cũng phải đến Trung ương mới xử lý được 2 ông Nguyễn Bắc Son, Trần Văn Minh. Hiện giờ, các việc này còn đang phải điều tra hình sự. Ông Son từng mười mấy năm đi bộ đội, cũng phải xem xét, cân nhắc nhiều mặt lắm. Việc kỷ luật đến nay mới là kỷ luật về Đảng, kỷ luật về hành chính còn phải tương ứng, rồi nếu đến mức phải xem xét hình sự thì lại đưa ra xử lý hình sự” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, theo Tổng Bí thư, trước nay, đây là một khâu yếu, hiện giờ đã được khắc phục. Vừa rồi, các cơ quan đã công bố công khai tỷ lệ tài sản thu hồi được là 31%. Tổng Bí thư dẫn chứng: “Riêng vụ AVG, số tiền thu hồi lại được là 8.500 tỷ đồng. Khi đã thu hồi được tài sản thì phải giảm nhẹ tội trạng cho người ta chứ, việc xử lý phải đảm bảo cả tính giáo dục, răn đe, ngăn ngừa”.
P.Thảo