Chính phủ xin dành một phần phí ngoại giao chi cho cán bộ
(Dân trí) - Chính phủ muốn được để lại 1 phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao hàng năm để chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức trong ngành. Về tỷ lệ để lại, Bộ trưởng Tài chính cho biết, số thu không nhiều, quy định “cứng” sẽ khó đảm bảo mục tiêu là giải quyết chế độ cho cán bộ…
Sáng 13/9, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Mặc dù Nghị định thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, nhưng vẫn được đưa ra xin ý kiến Thường vụ, do Chính phủ xin thêm một số đặc thù.
Vấn đề Chính phủ mang ra xin ý kiến Thường vụ chủ yếu ở Điều 14 của dự thảo, quy định “Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.
Thẩm tra vấn đề này, đa số ý kiến trong thường trực UB Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí cho phép để lại 1 phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình và đánh giá rõ hơn về tác động của số thu phí được để lại, làm rõ hơn tính hợp lý của việc cho phép để lại, vì Cơ quan đại diện không thực hiện cơ chế khoán chi và khoản phí này nếu được để lại theo Luật phí, lệ phí thì cũng không sử dụng để tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi, cơ cấu chi, tỷ lệ bố trí chi để nâng cao đời sống, chi bổ sung mua sắm, sửa chữa; nếu chỉ sử dụng để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì cần có nguyên tắc nhất định như khống chế mức tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế sử dụng công khai, minh bạch và rõ tiêu chí phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, Hiến pháp quy định tất cả các khoản chi đều phải có dự toán, và Luật Ngân sách Nhà nước quy định các khoản thu đều phải nộp vào kho bạc, sau khi trừ các khoản chi rồi thì nộp vào NSNN, nhưng Chính phủ lại muốn thành lập quỹ tạm giữ.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ở đây, Chính phủ xin ý kiến Thường vụ về chính sách cho cán bộ, như cơ chế thu nhập tăng thêm 0,8 đã áp dụng cho cán bộ các ngành tòa án, thuế, hải quan, kho bạc, viện kiểm sát.
Theo Bộ trưởng Tài chính, dự thảo Nghị định cũng có thêm phần nữa là chi cho cải tạo sửa chữa và nâng cấp trang thiết bị được áp dụng trình tự rút gọn và áp dụng theo luật pháp nước sở tại.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định các khoản thu chi này đều có dự toán. Phí và lệ phí để lại được để lại 1 phần, phải dự toán hàng năm, có dự toán.
Về ý kiến làm rõ tỷ lệ được để lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết do số thu biến động giảm dần, nên quy định tỷ lệ cứng sẽ khó đảm bảo mục tiêu của nghị định là giải quyết chế độ cho cán bộ. Do đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị Thường vụ ủy quyền cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ làm việc, thống nhất và điều tiết chi cho phù hợp trình Chính phủ quyết định.
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng gợi ý, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nên nghiên cứu thêm chính sách đảm bảo đời sống cho những người công tác tại cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì chính sách của Nhà nước mới là lâu dài, bền vững.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có đề nghị tăng thêm chi bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, vì thời gian vừa qua, xảy ra những vụ việc ngư dân và một số tổ chức pháp nhân bị bắt giữ, vi phạm pháp luật pháp nước sở tại, các sứ quán tham gia giải quyết vụ việc này rất tốn kém.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý cho thành lập quỹ tạm giữ các khoản phí thu từ hoạt động ngoại giao như cấp visa, hộ chiếu, tuy nhiên, phải đảm bảo chế độ quản lý quỹ, không để tồn quỹ quá lớn.
Thường vụ Quốc hội cũng cho phép được trừ đi chi phí quản lý, số còn lại cho phép để lại một phần, nhưng phải giữ nguyên tắc tất cả các khoản này đều được dự toán và được Quốc hội thông qua.
UB Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý giao lại cho Bộ Tài chính ra quy định cụ thể về tỷ lệ để lại cũng như các chính sách đảm bảo chế độ cho cán bộ.
P.Thảo