Chi ngân sách “đội” lên 36.900 tỷ: “Giật mình” với nhiều khoản không minh bạch
(Dân trí) - Nói về con số 36.000 tỷ đồng tăng chi vượt dự toán khi UB Thường vụ Quốc hội bàn về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 sáng nay (15/6), Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, có hiện tượng không minh bạch trong nhiều nguồn chi mà nếu tính thêm cả chi ngoại hối, còn nhiều khoản “giật mình” nữa…
Chấp nhận số tăng chi để minh bạch hóa ngân sách?
Báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với UB Thường vụ Quốc hội thể hiện nhiều con số chi vượt dự toán như chi trả nợ và viện trợ, Chính phủ dự toán 120.000 tỷ đồng, quyết toán 131.940 tỷ đồng, tăng 11.940 tỷ đồng so với dự toán.
Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thì chỉ ra vô số những sai sót trong việc lập dự toán, thu chi ngân sách như việc Bộ Tài chính ghi thu, chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ số liệu của quỹ tích luỹ trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của quỹ để mua trái phiếu chính phủ theo quy định.
Thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách 2014, UB Tài chính – Ngân sách “phê” việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.900 tỷ đồng, trong đó có gần 11.000 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2013, Quốc hội duyệt dự toán ngân sách năm 2014 với mức bội chi là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng theo báo cáo quyết toán, số bội chi thực tế là 260.000 tỷ đồng, bằng 6,61%GDP.
Thường trực UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, theo quy định tại Điều 49 Luật ngân sách hiện hành, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình UB thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội.
“Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định, UB Tài chính Ngân sách đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi ngân sách năm 2014 vốn ngoài nước 36.900 tỷ đồng” – ông Nguyễn Đức Hải nói.
Một số ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra thì nhận định, mặc dù chi vượt dự toán nhưng khoản chi vượt dự toán do giải ngân nhanh nguồn vốn ODA đã diễn ra tương tự từ nhiều năm trước và đã được Quốc hội cho phép quyết toán theo số thực tế. Mặt khác, từ năm 2015, Chính phủ đã có báo cáo với Quốc hội về việc điều chỉnh dự toán do dự báo tăng giải ngân nguồn vốn ODA. Vì vậy, nhất trí cho phép quyết toán chi ngân sách năm 2014 như đề nghị của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong số giải ngân vốn ODA vượt dự toán có gần 11.000 tỷ đồng do Chính phủ chuyển đổi vốn ODA tại một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp nhưng chưa báo cáo Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội, chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết theo quy định nên đề nghị loại khỏi quyết toán chi ngân sách số tiền này.
Giải thích về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bố trí vốn ODA giải ngân hàng năm đều đạt thấp, không đi vào thực chất thì đến nay đã khắc phục một bước của giai đoạn 2016-2020. Trước đây chỉ bố trí khoảng 17.000-18.000 tỷ đồng thì nay bố trí 250.000 tỷ cho 5 năm.
Xác nhận việc có chi vượt dự toán nhưng Bộ trưởng Tài chính phân tích, nhìn lại khuyết điểm, nhìn sâu hơn thì cần phải có cả quá trình. Nếu trước đây giải ngân vốn ODA chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy lên khá cao. Việc đề nghị đưa khoản này vào quyết toán 2014 cũng là một bước minh bạch hoá ngân sách.
“Giật mình” những con số không minh bạch
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, năm 2014, công tác quản lý ngân sách có nhiều tiến bộ so với các năm trước, công khai, minh bạch rõ ràng hơn và xử lý cương quyết hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo kiểm toán và thẩm tra cũng như Chính phủ cũng có nhận định đánh giá thì thấy rằng công tác quản lý thu - chi ngân sách còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí nhiều sai phạm ở các cấp.
Hiến pháp 2013 và Luật Ngân sách quy định rất rõ, dự toán thu được Quốc hội chấp nhận cho phép thì cơ quan hành pháp phải thực hiện thu đúng thu đủ, dựa vào căn cứ hệ thống pháp luật thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi lại khác, không mở như dự toán thu mà có giới hạn, Quốc hội cho 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không đẩy cao lên hay hạ thấp xuống được.
“Khoản tăng bội chi hơn 36.000 tỷ đồng thấy rất rõ đây là khoản chưa có dự toán chi. Theo tôi, đến giờ phút này chưa có dự toán do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 2014, yêu cầu Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước xung vào năm 2014 hay 2015, 2016 là quyền Quốc hội, phải thực hiện nghiêm” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tỏ ý tán thành quan điểm này. Ông Lý nhận xét, có hiện tượng không minh bạch khi chuyển nguồn chi ngân sách, có những khoản chuyển hàng nghìn tỷ đồng mà không rõ ràng, không xác định được là chi, chuyển vào năm nào.
“Bản thân con số không minh bạch, nhiều khoản chi thực tế được bỏ ra ngoài ngân sách, điểm qua đã thấy 3-4 trường hợp chi theo quy định phải báo cáo nhưng cơ quan quản lý không thực hiện. Như hiện tại, ngoại hối đang là một khoản để ngoài ngân sách mà nếu tính cả vào thì còn nhiều khoản chi phải “giật mình” nữa” – ông Lý thẳng thắn.
Chưa chốt nội dung báo cáo trình ra như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Chính phru những vấn đề này, tiếp thu để UB Tài chính – Ngân sách thẩm tra một lần nữa trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định việc quyết toán ngân sách 2014.
P.Thảo