“Cán bộ ngày nay giàu lên bằng tham nhũng rất phổ biến”
(Dân trí) - Phân tích những khác biệt khi Trung ương Đảng xem xét đề án xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược với thời làm Nghị quyết về chiến lược cán bộ 20 năm trước, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng khẳng định, thời nay không có Bộ trưởng nào nghèo…
Không Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh nào nghèo!
- Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược vừa được trình Trung ương để xem xét thảo luận trong hội nghị lần thứ 7 đang diễn ra, sau tròn 20 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Là người tham gia xây dựng những quy định đã áp dụng 20 năm qua, ông thấy đề án lần này có gì khác biệt?
- Thực ra nhiệm kỳ nào, Trung ương cũng có đề án về công tác cán bộ, hoặc do Trung ương, hoặc do Bộ Chính trị ban hành, tức lúc nào cũng quan tâm việc này. 20 năm qua, chúng ta không sửa nội dung nào so với nghị quyết – “chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thời chúng tôi làm ngày trước. Hồi đó, chính tôi cùng anh Nguyễn Phú Trọng và một đồng chí nữa làm dự thảo nghị quyết này, chúng tôi đi khảo sát rồi viết và trình Trung ương.
Đề án lần này cũng chỉ cụ thể, chi tiết hơn và sát với thực tiễn bây giờ. Chúng tôi ở thời kỳ bao cấp, mọi quan hệ xã hội đơn giản lắm, không phức tạp như bây giờ. Vậy nên đề án lần này đưa thêm nhiều dự đoán về các trường hợp cụ thể phát sinh để ngăn chặn.
- Ông có góp ý gì với các nội dung đưa ra trong đề án trình Trung ương lần này?
- Mới đây tôi cũng được lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương mời góp ý cho dự thảo đề án. Tôi có lưu ý về 2 điểm.
Thứ nhất, trong công tác cán bộ, chú ý đến cấp chiến lược là đúng nhưng phải đồng thời quan tâm cả cán bộ cấp sơ sở vì đó là cấp gần dân, mọi việc đều qua tay họ hết, từ thuế má đến quản lý hộ khẩu, hộ tịch, an ninh trật tự… Cán bộ cơ sở mà không vững vàng, không hăng hái thì trên có đề ra bao nhiêu việc thì cũng trôi đi hết.
Sau nữa, tôi đề nghị không nên quan niệm cán bộ cấp chiến lược rộng như Ban Tổ chức TƯ nêu ra (khoảng 600 người), bao gồm cả Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh… Tôi cho rằng, cấp chiến lược là cấp Trung ương, cấp đề ra các đường lối chính sách và kiểm tra thực hiện. Còn lớp cán bộ như Bí thư, Chủ tịch tỉnh là cấp trung gian triển khai thực hiện đường lối chính sách.
Cấp chiến lược chỉ nên khuôn ở nhóm cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chủ tịch – Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng/Phó các ban đảng ở TƯ, Chủ tịch các cơ quan đoàn thể Trung ương. Đó là những người trực tiếp “đụng” đến vấn đề đường lối chính sách.
- Điều ông nói một phần phản ánh nhận xét của Tổng Bí thư nêu ra tại phiên khai mạc hội nghị Trung ương 7: “cán bộ của chúng ta đông nhưng không mạnh”. Đã từng làm công tác tổ chức, ông nhận xét gì về công tác cán bộ hiện nay so với thời ông còn công tác?
- Thời nào thì cũng có những cán bộ tích cực, cán bộ bình thường và cán bộ yếu kém. Thời nay khác xưa ở chỗ, cơ chế thị trường hiện đang tác động sâu sắc vào đời sống, nó làm hoạt động kinh tế xã hội sôi động lên, cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhưng nó cũng sử đụng đồng tiền chi phối mọi hoạt động. Mua chức bằng tiền, mua ghế cũng bằng tiền… Đồng tiền làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp. Và những người không vững vàng, không liêm khiết đã dùng đồng tiền để mua chuộc và làm hỏng các quan hệ bình thường trong xã hội.
Quan chức giàu lên nhiều lắm. Ngày xưa, như tôi, làm được cái nhà là tiền gia đình “bỏ ống” cả thôi chứ kiếm đâu ra. Trong khi bây giờ làm cán bộ, giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến, không phải ít đâu. Thử nhìn xem, Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả. Thời chúng tôi cán bộ cũng như dân thôi, không có gì, ngoài đồng lương ra, nếu nhà có vườn tược, cố gắng làm kinh tế gia đình thì có thêm chút thôi chứ ngoài ra không có gì đâu.
Nói “nếu nghèo, không ai muốn làm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh” là ngụy biện. Phải làm vì tình yêu nước, vì trách nhiệm với dân chứ nếu vì làm giàu mà phấn đấu thế thì hỏng rồi. Theo tôi, không ai nghĩ ngay chuyện làm Chủ tịch tỉnh để mà làm giàu đâu nhưng quá trình làm việc nó tạo cơ hội cho người ta. Cứ đem quà cáp, phong bì đến nhà người ta ào ào ấy, nếu họ không nhận thì vợ họ nhận, vậy thôi.
Tổ chức ban đầu không chọn lầm người…
- Như ông nói, mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến công tác cán bộ nên mới làm nảy sinh những thứ “chạy” như chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, chạy luân chuyển… Một giải pháp được đưa ra trong đề án trình Trung ương, coi tiêu chí đầu tiên với các bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là phải trong sạch, không tham nhũng, không “chạy”, không vun vén cho người thân, gia đình, thậm chí là không có tham vọng quyền lực. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Xác định thế là đúng, nhưng trước hết, về tiêu chuẩn cán bộ, nói như Bác Hồ, phải chú trọng cả “tài” và “đức”, không có “tài” không làm được cán bộ nhưng “đức” là gốc để phát huy cái “tài”. Tổng Bí thư đương nhiệm đã nêu câu hỏi trước Trung ương, “đức”, “tài” cái nào quan trọng hơn và khẳng định cả hai cùng quan trọng.
Giờ để làm tốt việc này thì vẫn phải giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên, phải bổ sung những thể chế luật pháp như quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực, để cán bộ có muốn “hư hỏng” cũng không được, và phải dựa vào nhân dân, phát động nhân dân tham gia công tác cán bộ thì mới làm được.
Người dân ta sát cán bộ lắm. Bất cứ người cán bộ nào cũng phải ở chỗ nào đó, việc sinh sống thế nào, quan hệ với cộng đồng thế nào, vợ chồng, con cái ra sao, nhà có nhiều xe ô tô, nhiều người đến để gửi quà hay không… người dân đều biết hết.
Và sau cùng, phải siết công tác quản lý cán bộ thì mới bảo đảm được cán bộ trong sạch.
Quy định xây dựng luôn chặt chẽ, không thiếu các tầng nấc kiểm soát nhưng thực tế qua các khóa, chúng ta vẫn để lọt vào hệ thống nhiều cán bộ cấp cao không xứng đáng?
Nói về cán bộ cấp cao thì như tướng Phan Văn Vĩnh, tôi thấy không phải lúc chọn vào là ông ấy đã kém đâu. Ông ấy đã từng là Anh hùng, có công trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự cho người dân, rồi ông ấy đã trưởng thành dần, từ cán bộ chuyên môn lên tới Giám đốc Công an Nam Định rồi mới đưa về Bộ Công an. Đó thì là quá trình phát triển rất tốt của một cán bộ chứ không phải tổ chức chọn lầm người đâu.
Nhưng do có những diễn biến, tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường làm cho con người lung lay, khi có quyền rồi thì cán bộ tha hóa chứ không phải những cán bộ đó sinh ra đã hư hỏng đâu.
Khái quát thì vẫn phải nói đa số cán bộ của ta là tốt, người hư hỏng chiếm tỷ lệ thấp thôi. Xưa hay nay thì vẫn có tiêu cực, sai phạm nhưng giờ kinh tế thị trường tác động mạnh, anh nào không vững vàng thì anh đó lung lay thôi.
Cũng có ý kiến cho rằng cần nhìn cả quá trình, nhìn vào công là chính mà bỏ qua khuyết điểm đi, chỉ trừ trường hợp khuyết điểm nghiêm trọng thì buộc phải xử lý. Chắc phải vậy thật, chứ lãnh đạo giờ ai mà chẳng nhà cao cửa rộng, cứ làm tốt công việc thì cũng phải cho qua chứ sao.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo