Cán bộ được trang bị súng: Nhiều khi cần không nổ, khi lại quá… mạnh tay

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội về việc tổng kết những trường hợp cán bộ được trang bị súng đạn lạm dụng quyền trong quá trình sử dụng, Trung tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an xác nhận, “anh em khi thi hành công vụ nhiều xử lý… chưa tới, khi cần nổ súng thì không nổ, khi lại quá… mạnh tay”.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Quy định về vấn đề nổ súng là một nội dung được UB Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận khi cho ý kiến về dự thảo luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều ngày 16/9.

Luật được xây dựng trên nền pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành. Theo Thứ trưởng Bộ công an Bùi Văn Nam, việc luật hoá những quy định này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thời gian qua. Cùng đó là việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thẩm tra dự án luật, UB Quốc phòng An ninh đồng tình với việc luật hóa các quy định hạn chế quyền cơ bản của công dân như cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân).

Việt Nam cũng cần một luật điều chỉnh những hoạt động này vì cùng với sự tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, an ninh đã có những bước phát triển nhanh, nhiều loại vũ khí cầm tay hiện đại được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, sản xuất. Theo đó, Việt Nam đã và đang nghiên cứu nhập khẩu để trang bị cho các lực lượng trong nước.

Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 cán bộ ở các lực lượng được trang bị vũ khí, súng đạn phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ.

Nhất trí với tính cần thiết ban hành luật này nhưng Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga lo lắng, vấn đề quản lý, sử dụng súng đạn rất quan trọng, tác động đến quyền sống và tính mạng sức khỏe của con người mà việc tổng kết thực tiễn để xây dựng luật lại chưa tương xứng.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng chưa có tổng kết về những trường hợp lạm dụng vũ khí thì chưa đủ cơ sở để xây dựng luật.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng chưa có tổng kết về những trường hợp lạm dụng vũ khí thì chưa đủ cơ sở để xây dựng luật.

“Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thời gian qua đặt ra vấn đề gì bức xúc, có hay không việc lạm dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?” - bà Nga đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm UB Tư pháp đặc biệt lưu ý những trường hợp nổ súng, lạm dụng vũ khí gây thương tích được phản ánh qua báo chí và người dân thời gian qua.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải quan tâm đến tiêu chuẩn đạo đức và sức khỏe của những người được giao nhiệm vụ quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

“Nói là chưa có vụ án nào liên quan đến vấn đề này không đúng vì mới vài tháng trước báo chí đã đưa tin vụ một sĩ quan được trang bị súng, vì mâu thuẫn với bạn gái mà dùng súng bắn luôn người này. Như vậy vấn đề sức khoẻ tâm lý, tâm thần của những người được trang bị vũ khí rất quan trọng. Đòi hỏi cán bộ phải đảm bảo sức khoẻ là điều kiện đầu tiên khi nhận nhiệm vụ nhưng người giao vũ khí có yêu cầu người được trang bị khám, có báo cáo định kỳ không, nhất là về sức khoẻ tâm lý, tâm thần” – bà Hải nói.

Trả lời những câu hỏi đặt ra, Trung tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an xác nhận, thời gian qua nổi lên hiện tượng do quy định về các trường hợp nổ súng chưa rõ ràng nên cán bộ thi hành công vụ trong nhiều trường hợp xử lý chưa… tới, nhiều khi cần nổ súng thì không nổ, khi lại quá mạnh tay.

Ông Sơn lý giải một nguyên nhân khách quan là do thực tế sự việc diễn biến quá nhanh, người xử lý tình huống chưa lường trước, phán đoán được tình huống. Điều này phụ thuộc nhiều vào vào kinh nghiệm, trình độ, sự nhanh nhạy của cán bộ. Vậy nên yêu cầu liệt kê đầy đủ từng trường hợp được phép nổ súng trong luật để lúc hành động cán bộ mở ra “so”, áp dụng là rất khó.

Về vấn đề đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, quy định bổ sung đối tượng Cảnh sát biển, Cơ yếu, Công an xã, vì những lực lượng này hiện đang được trang bị, sử dụng. Có đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí quân dụng vì cho rằng, đây là cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

P.Thảo