Các Phó Thủ tướng sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn

(Dân trí) - Theo thông lệ, tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn; tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng ủy quyền cho Phó Thủ tướng thường trực trả lời. Nay, Chủ tịch Quốc Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, lần lượt các Phó Thủ tướng sẽ được phân công đăng đàn tại mỗi kỳ họp giữa năm.

Sáng 17/5, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ ba khai mạc ngày 22/5 tới đây.

Liên quan tới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao đổi và cho biết, mỗi kỳ họp giữa năm sẽ phân công một Phó Thủ tướng lần lượt trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

“Không phải Thủ tướng ngại đâu mà Thủ tướng rất nhiều việc, và cũng để các Phó Thủ tướng thể hiện bản lĩnh nghị trường của mình” - Chủ tịch Quốc hội giải thích.

Không chỉ Phó Thủ tướng thường trực, tới đây, lần lượt các Phó Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Không chỉ Phó Thủ tướng thường trực, tới đây, lần lượt các Phó Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi các Phó Thủ tướng đăng đàn, Thủ tướng vẫn nên xuất hiện để nói thêm những vấn đề các Phó Thủ tướng trả lời chưa rõ, được đại biểu quan tâm.

Bà Ngân cho biết: “Trước đây Quốc hội chất vấn Thủ tướng nhưng Phó Thủ tướng trả lời, cử tri và đại biểu nói là nếu Thủ tướng đi công tác vắng thì như thế là bình thường, chứ Thủ tướng ngồi đó mà người khác trả lời thì cử tri họ không chịu. Nên sau đó sửa luật quy định người phải trả lời chất vấn không được uỷ quyền cho người khác, cả Chính phủ và Quốc hội đều thống nhất hết. Tôi sẽ trao đổi thêm với Thủ tướng về việc này”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, tại kỳ họp cuối năm 2016 của Quốc hội, phiên đầu tiên Thủ tướng trả lời chất vấn rất được nhân dân và đại biểu khen ngợi.

Liên quan đến các nội dung khác của kỳ họp, về những nội dung mới được Chính phủ đề nghị, UB Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung vào chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội quán triệt quan điểm, dự án này sẽ thực hiện đúng quy trình xem xét, thông qua tại hai kỳ họp, kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để xử lý riêng nợ xấu từ 2016 trở về.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cho cơ quan thẩm tra luật cho biết, UB đã thẩm tra và còn có băn khoăn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhưng vì thực hiện theo quy trình hai kỳ họp nên còn có thời gian để chỉnh sửa.

Riêng với nghị quyết về xử lý nợ xấu, ông Thanh nhấn mạnh: “Nghị quyết này rất cấp thiết vì cứ để "cục máu đông" này tồn tại thì nền kinh tế "đột tử" lúc nào không biết”.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét dự án việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số dự án quan trọng khác như đường cao tốc Bắc - Nam, dự án chống ngập của TPHCM.

Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiều nay sẽ được UB Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến riêng, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, với số tiền đầu tư 23.000 tỷ đồng, đây là đại dự án chứ không không phải tiểu dự án. Việc tách ra, theo ông Hiển, cũng phải bàn thêm.

Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, ông Hiển chỉ rõ, theo quy định hồ sơ phải gửi trước 60 ngày nhưng hôm qua các cơ quan Quốc hội mới nhận được. Hơn nữa trong rất nhiều nội dung thì hội đồng thẩm định quốc gia cũng mới thẩm định được 3 nội dung, không chắc chắn có thể làm ngay được.

“Xu thế thì đều ủng hộ là phải nhanh nhưng đầu tư thì phải chỉ rõ nguồn lực, không đơn giản đâu” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, có thể châm chước về thời gian nhưng vấn đề là phải đủ về hồ sơ mà đến nay chưa có nội dung nào đảm bảo đủ cả về thời gian và hồ sơ.

P. Thảo