Bộ trưởng TT-TT muốn dẫn đầu hành trình “Việt Nam hoá rồng, hoá hổ”

(Dân trí) - “Khi tất cả các nước đều trở thành hổ thì cần tư duy để có hướng đi đột phá. Bộ TT-TT có sứ mệnh đưa công nghệ vào mọi lĩnh vực cuộc sống, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam, tạo đà để khởi nghiệp công nghệ, giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ. Bộ TT-TT phải dẫn đầu hành trình này” – Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ này.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ TT-TT diễn ra từ chiều 15/1/2019 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành khác.

 

Bộ trưởng TT-TT muốn dẫn đầu hành trình “Việt Nam hoá rồng, hoá hổ” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (trái) tới dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT-TT

 

2019 Việt Nam sẽ có mạng 5G

Báo cáo về tình hình hoạt động năm 2018 của Bộ TT-TT thể hiện nhiều con số. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017.

Đi vào các lĩnh vực cụ thể, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, mảng viễn thông, năm 2018, tại diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam nêu sáng kiến Roaming like home về hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN đã gây tiếng vang, thu hút sự quan tâm lớn, góp phần tích cực tạo nên một “Asean phẳng”. Lĩnh vực viễn thông mang lại doanh thu 350.000 tỷ/năm (tương đương 15 tỷ USD).

Bộ TT-TT cũng triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng, tập trung xử lý tình trạng sim rác; đẩy mạnh việc số hoá truyền hình để 65% dân số cả nước được xem truyền hình số mặt đất; quy hoạch tần số để thử nghiệm công nghệ 5G. Theo đó, trong năm 2019, Việt Nam sẽ thành một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng mạng 5G.

Trước bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới nền kinh tế số, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chung để chủ động nhập cuộc, hướng tới quốc gia thông minh.

Lãnh đạo Bộ cho biết, năm 2018, Thủ tướng đồng ý cho Bộ này chủ trì xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, một nhiệm vụ trọng đại sẽ mang lại khả năng tăng năng suất lao động lên từ 30-40%, góp 20-30% trong tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Về vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng, khi các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và tinh vi, năm 2018, Bộ TT-TT đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông quốc gia để cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, điều phối, ứng cứu nhiều sự cố, ngăn chặn sự lây nhiễm phần mền độc hại trên diện rộng, lừa đảo trực tuyến và lộ lọt thông tin cá nhân…

Bộ TT-TT đẩy mạnh hình thành và kiện toàn Mạng lưới đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin quốc gia, quy tụ 170 đơn vị thành viên là các tổ chức chuyên trách về an toàn thông tin mạng.

Liên quan đến lĩnh vực này, lĩnh vực thông tin – tuyên truyền đã thực hiện tốt vai trò, thể hiện được dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin cũng như khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường.

Song song với việc vận hành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để lưu chiểu các bài báo, ngăn chặn thông tin không phù hợp pháp luật, Bộ TT-TT cũng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật. Các cơ quan đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 4.500 video clip xấu độc trên Youtube, buộc Facebook gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm.

Đi cùng nhịp, cùng tốc độ với thế giới

Bộ trưởng TT-TT muốn dẫn đầu hành trình “Việt Nam hoá rồng, hoá hổ” - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo Thủ tướng về những sản phẩm công nghệ Việt Nam làm được trong năm 2018

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu lãnh đạo Bộ tập trung cho các chiến lược năm 2019, để thực hiện chủ đề “nâng cao thứ hạng Việt Nam” với phương châm lãnh đạo làm gương, kỷ luật, trọng tâm, bứt phá.

Ông Hùng khái quát, 2018 là năm “vận nước đến” khi cả nước đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm qua, lần đầu tiên cao hơn mức tăng trưởng của Trung Quốc. “Khi tất cả các nước đều trở thành hổ thì cần tư duy để có hướng đi đột phá. Bộ TT-TT có sứ mệnh đưa công nghệ ICT vào mọi lĩnh vực cuộc sống, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong nước, tạo đà để khởi nghiệp công nghệ, giúp Việt Nam hoá rồng hoá hổ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, Bộ TT-TT phải dẫn đầu hành trình này.

Bộ trưởng cũng phân tích, một đất nước muốn đi lên, phát triển trước hết phải có sức mạnh tinh thần. Báo chí chính là người lính sứ mệnh đó.

Lãnh đạo Bộ yêu cầu, trong năm 2019, toàn ngành thông tin – truyền thông phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để có thể song hành cùng những quốc gia mạnh nhất.

Nêu 6 lĩnh vực quản lý của Bộ (như Bưu chính, Viễn thông, công nghệ chuyển đổi số, CIT, thông tin - tuyên truyền…), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, muốn đi đầu về cách mạng số, Việt Nam phải đi đầu trong việc sử dụng smart phone.

“Muốn vậy, phải đi cùng nhịp, cùng tốc độ với thế giới. Lần này ta sẽ đi đầu trong công nghệ 5G chứ không đi sau một nhịp như lần làm 3G, 4G vừa qua nữa” – Bộ trưởng “giao chỉ tiêu” cho lĩnh vực viễn thông.

Về lĩnh vực đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh, một đất nước có an ninh mạng mạnh cũng như một quốc gia quân sự mạnh. Ông phân tích thực tế, Trung Quốc hiện chiếm 60% thị phần sản xuất thiết bị viễn thông nhưng lại đang gặp vướng mắc với Mỹ. Việt Nam, theo đó, có cơ hội để trở thành một trong những quốc gia sản xuất được tất cả các thiết bị viễn thông và xuất khẩu thiết bị viễn thông, trở thành một trung tâm chia sẻ dữ liệu an ninh mạng cho cả khu vực ASEAN và thế giới.

Về nội dung chuyển đổi số, tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng TT-TT cho rằng, các công nghệ có thể áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đất nước. Vậy trong mọi lĩnh vực cần có doanh nghiệp để ứng dụng, phổ cập những công nghệ đó tại Việt Nam. Bộ TT-TT đã được giao nhiệm vụ lập Trung tâm công nghệ tại Việt Nam, là cơ sở để tiến hành cuộc cách mạng 4.0 cho đất nước.

Về lĩnh vực thông tin – tuyền truyền, lãnh đạo Bộ một lần nữa nêu thông điệp gửi đến báo chí là báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin cũng như khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường.

Điểm vướng mắc là nhiều báo hiện nay không nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhà nước trong khi nguồn thu từ quảng cáo bị chia sẻ, tới 45% rơi vào mạng xã hội. Theo Bộ trưởng, để giải quyết mâu thuẫn này, nhà nước cần có cơ chế “đặt hàng” báo chí để có những sản phẩm theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cũng có nguồn ổn định để hoạt động.

Mạng xã hội cũng được xác định là một trận địa không thể bỏ trống. Bộ trưởng yêu cầu mỗi cơ quan báo chí phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình, để lấy tích cực át tiêu cực, để góp phần định hướng, tạo dòng chảy chính của xã hội.

P.Thảo