"Bộ trưởng Thăng, Thống đốc Bình giúp người dân được truyền lửa!"

(Dân trí) - “Những tư lệnh ngành như Bộ trưởng Thăng, Thống đốc Bình, tôi nghĩ, việc làm của các anh đã lấy được lòng tin của người dân. Việc cơ quan điều hành kìm giữ được lạm phát, ổn định tình tình, cải thiện hạ tầng giao thông, điều hành rốt ráo về bộ máy, con người… giúp người dân hi vọng và thấy được truyền lửa…”.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao - nhận xét về 2 vị “tư lệnh” ngành để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ này.

Quốc hội sắp xem xét miễn nhiệm Thủ tướng và 19 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kiện toàn nhân sự cơ quan hành pháp, chuẩn bị cho nhiệm kỳ công tác mới. Thẳng thắn đánh giá lại nhiệm kỳ vừa qua, với cơ quan trực tiếp điều hành đất nước, Chính phủ, các thành viên Chính phủ để lại dấu ấn gì?

Nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ phải xoay xở trong bối cảnh tình hình cực kỳ khó khăn, phải chèo chống giữa cảnh những nền kinh tế lớn cũng rất khó khăn chứ đừng nói tới Việt Nam, nguồn thu, sức cạnh tranh… đều là chuyện rất khó. Rồi vấn đề Biển Đông cũng ảnh hưởng rất lớn. Vậy nên nếu đánh giá một cách tích cực, kết quả đạt được là cố gắng rất lớn của Chính phủ khi vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, năm sau cao hơn năm trước.

Trong nhiệm kỳ vừa rồi, điểm khác nổi lên là cơ sở hạ tầng, dù còn hạn chế này khác, nhưng rõ ràng là cải thiện nhiều, nhất là hạ tầng giao thông.

Trung tướng Trần Văn Độ: Quốc hội ban hành được nhiều luật tốt nhưng cơ quan chấp hành không triển khai thực hiện tốt được luật đó. Đó là thiếu sót lớn.
Trung tướng Trần Văn Độ: "Quốc hội ban hành được nhiều luật tốt nhưng cơ quan chấp hành không triển khai thực hiện tốt được luật đó. Đó là thiếu sót lớn".

Dù vậy, có rất nhiều hạn chế mà lo ngại nhất theo tôi là vấn đề nợ. Báo cáo đi báo cáo lại với Quốc hội, Chính phủ vẫn khẳng định là nợ an toàn nhưng số liệu không thể hiện thế. Một số địa phương tăng trưởng không phải là thực chất mà là tăng suất đầu tư. Rồi nhìn vào tổng đầu tư toàn xã hội thì tiền cho đầu tư phát triển chỉ là 30%, chi thường xuyên vẫn tới gần 70%, chỉ số ICOR vẫn cao tới 7, 8, 9… Nhìn vào những con số này cảm thấy lo lắm vì rõ ràng, hiệu quả đầu tư rất thấp.

Rồi Quốc hội lại quyết một số công trình, một số dự án rất lớn như sân bay Long Thành, những dự án rất lớn khác về giao thông cũng chủ yếu dựa trên tiền đi vay, dù có nói là khoản vay này không tính vào ngân sách thì đó cũng vẫn là một nguồn lực của xã hộ, vay mượn thì cũng phải trả chứ. Mà đến hạn trả nợ, nói là nợ trung hạn chứ chưa tính tới dài hạn, đã không biết làm thế nào để trả đây.

Như ông nói, có thể thấy mỗi diễn biến của tình hình kinh tế xã hội những năm qua đều thể hiện dấu ấn của cơ quan điều hành, nhất là các vị tư lệnh ngành. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với những tư lệnh này. Qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, kết quả có tương xứng với những diễn biến của nền kinh tế xã hội?

Mấy hôm vừa rồi, dù chưa nói đến các thành viên Chính phủ, khi miễn nhiệm các chức danh đứng đầu các cơ quan nhà nước, tôi thấy Nghị quyết đều nêu đánh giá là mỗi nhân sự đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và chắc là khi miễn nhiệm các thành viên Chính phủ thì cũng có đánh giá vậy thôi. Nhưng đi sâu vào các vấn đề, trong từng lĩnh vực đều có thể thấy băn khoăn.

Tất nhiên có những vấn đề cũng phải thông cảm vì đó là những tồn tại cực kỳ lớn, qua thời gian dài như về giáo dục, y tế, nông nghiệp – nông thôn – nông dân… nhưng vấn đề tôi thấy là trong nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn hoay loay, không thấy đường đi thật rõ, chưa thấy hướng tháo gỡ sáng sủa, như về môi trường, nông nghiệp… Về giáo dục cũng vẫn chỉ loay hoay trong mấy kỳ thi, kỳ thi này thế này, kỳ thi kia thế kia; về nông thôn, việc xây dựng nông thôn mới vẫn còn quá hình thức… giải quyết không thực chất những tồn tại. Điều hành của Chính phủ vẫn chưa rõ, vẫn chưa thấy một chính sách, một quan điểm tư tưởng nhất quán và đồng bộ với tất cả các lĩnh vực để ổn định và phát triển lâu dài.

“Soi” trên thước đo phiếu tín nhiệm, đầu nhiệm kỳ, nhiều tư lệnh ngành như Thống đốc Bình, Bộ trưởng Thăng được coi là những nhân tố trẻ, năng động nhưng tại lần đầu tiên, ông Bình là người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, ông Thăng cũng không được đánh giá cao. Tuy nhiên, đến lần thứ 2 lấy phiếu, 2 vị “tư lệnh” này được coi là có bước nhảy vọt về tín nhiệm. Chỉ vừa ở đầu nhiệm kỳ được đánh giá như thế mà qua năm sau, đánh giá đã thay đổi và giờ đây, cả 2 ông đã trúng vào Bộ Chính trị. Ông nhận định thế nào về bước tiến của 2 thành viên Chính phủ này?

Tôi không phải là một nhà kinh tế nên việc theo dõi, nắm bắt về 2 anh hơi khó nhưng tôi nghĩ việc làm của các anh đã lấy được lòng tin của người dân. Trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan điều hành đã giữ ổn định được tình hình, kìm giữ được lạm phát. Lĩnh vực giao thông vận tải thì như tôi đã nói, cơ sở hạ tầng giao thông cải thiện rất đáng kể, Bộ trưởng có những điều hành rốt ráo về bộ máy, về con người. Nhìn những biểu hiện bên ngoài đó, người dân hi vọng và thấy được truyền lửa.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được đánh giá là đã tạo dấu ấn tốt cho Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được đánh giá là đã tạo dấu ấn tốt cho Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua.

Trở lại với những nhận định của ông về những lĩnh vực qua cả nhiệm kỳ chưa có nhiều chuyển biến, tổ chức bộ máy công vụ vẫn nặng nề trì trệ… thể hiện quyết tâm chưa cao của các “tư lệnh” ngành, với tư cách một đại biểu, ông nhận xét gì về việc hiện nhiệm vụ của người phụ trách những ngành, lĩnh vực này?

Thì không thể đánh giá chỉ bằng một câu là hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không mà phải nhìn nhận có những việc ngành đó đã hoàn thành tốt, có những việc thì chưa hoàn thành, còn tồn tại, hạn chế mà nói như Bộ trưởng Văn hoá, Thể Thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh thì, thôi có gì thì để lại cho Bộ trưởng của nhiệm kỳ mới.

Nhưng có một điểm cần nói là từ trách nhiệm của cơ quan lập pháp, nhiều luật Quốc hội ban hành phải nói là tốt rồi nhưng có một hạn chế quen thuộc là khi đưa luật vào cuộc sống lại không ổn, cơ quan chấp hành không triển khai thực hiện tốt được luật đó. Đó là thiếu sót lớn. Nhiệm kỳ qua, chúng ta cũng làm lại Hiến pháp. Hiến pháp mới phải nói là rất tốt nhưng khi ban hành các luật để cụ thể hoá Hiến pháp thì lại bắt đầu len lỏi vào những tư tưởng cục bộ khiến quy định thể hiện lại đi lùi so với tinh thần Hiến pháp, mà lùi dần từ luật xuống đến nghị định…

Phải dứt khoát đổi mới, đặc biệt trong quản lý nhà nước, trong cải cách hành chính, công tác cán bộ…

Nói về những bức xúc chưa rõ đường hướng giải quyết trong hoạt động của cơ quan điều hành một nhiệm kỳ qua như vậy, ông mong muốn những nhân sự mới trong Chính phủ tới đây sẽ phải làm gì để công việc đạt hiệu quả hơn?

Hi vọng là Chính phủ mới chọn được những Bộ trưởng là người có tay nghề. Tư lệnh ngành phải là người có hiểu biết về ngành, tâm huyết về ngành và mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình chứ đừng căn ke nhìn trước nhìn sau, nhìn trái nhìn phải rồi mới làm. Như anh Đinh La Thăng, người dân thích nhất ở anh ấy chính là tinh thần hành động, con người hành động. Tất nhiên từ hành động cụ thể phải đi đến hoạch định chính sách nữa.

Tôi hi vọng, như vừa rồi, qua việc kiểm điểm của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thì những Bộ trưởng trong nhiệm kỳ mới sẽ tham khảo các ý kiến, phát biểu, các tổng kết, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế để khắc phục, tháo gỡ được.

Tôi rất hi vọng với bất cứ tư lệnh ngành, lĩnh vực nào, những người mới có sự quyết tâm, làm việc đó với tinh thần vì nhân dân, vì đất nước, vì tổ quốc, làm những việc có lợi cho người dân. Mà quyết tâm làm thì sẽ nâng cao hình ảnh, uy tín của người đó hơn và việc đó chắc chắn là cũng mang lại lợi ích cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)