Bộ trưởng Nội vụ: Làm sạch nhà mình trước khi “dọn” nhà người khác!

(Dân trí) - Giải thích với Tổ công tác của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra Bộ Nội vụ chiều 27/6 về nhiệm vụ thanht ra công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, “không phải đi thanh tra, kiểm tra người khác rồi lại không “làm” mình. Trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình đã”.

Chiều 27/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.


Tổ công tác của Thủ tướng kiếm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Nội vụ

Tổ công tác của Thủ tướng kiếm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Nội vụ

Bộ trưởng “không nhìn thấy cái lưng của mình”

Chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đóng góp của Bộ này với việc cải cách thủ tục hành chính rất đáng kể. Trước đây, nhiều việc các bộ, địa phương phải xếp hàng lên Bộ Nội vụ, từ việc thi tuyển chuyên viên, sắp xếp phê duyệt vị trí việc làm, hay các văn bản đều phải có ý kiến của Bộ Nội vụ thì nay đã được phân cấp mạnh mẽ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng cũng đi vào nề nếp, trật tự, chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.

Nêu 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới chuyện biên chế và tiền lương. Trong khi chỉ tiêu 6 năm phải giảm 10% biên chế và viên chức đang theo hướng tự chủ tài chính thì vấn đề quản lý công chức, viên chức, sử dụng hợp đồng lao động, quản lý quỹ lương cần phải lưu ý. Qua kiểm toán tại 13 bộ và 14 địa phương, vấn đề giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, sử dụng vượt thẩm quyền, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập vượt tới hơn 63.200 người, cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát ở dưới, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương không nắm hết.

“Tôi ở địa phương rồi tôi biết, khi bí lên là tỉnh dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính, tức là cán bộ ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế và cần phải có sự chấn chỉnh công chức, viên chức này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

“Vừa rồi, nhiều bộ ngành địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức, tôi và anh Thăng (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng - PV) cũng quyết liệt ngồi đối thoại với nhau. Ch”úng ta không thể thực hiện sai nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, kết luận 17, dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy” – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói thêm.

Cho rằng hiện nay việc sắp xếp tổ chức bộ máy là rất khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Theo ông Dũng, hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc.

Về 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành của Bộ mình, giải trình với Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhìn nhận, do không thể thấy cái lưng của mình nên có những việc mới chỉ nhìn được là thành tích chứ không nhìn ra khuyết điểm. Bộ trưởng xác nhận ngành nội vụ còn rất nhiều công việc còn phải làm.

“1 người gian làm khó 100 người ngay”?

Nói về việc sắp xếp bộ máy trong bộ, ông Tân cho hay, Bộ Nội vụ không còn ai cấp phòng trong các vụ chuyên môn và cam kết với Chính phủ sẽ giảm biên chế từ 15% trở lên.

Theo ông, công tác quản lý nhà nước của ngành cần tập trung làm 3 việc: xây dựng chiến lược phát triển ngành; xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó phải chú trọng đến vấn đề phân cấp, phân quyền. Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng việc phân cấp duyệt đề án vị trí việc làm cho Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh duyệt các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, bộ cũng sửa đổi 2 Thông tư phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính, Bộ Nội vụ chỉ làm việc tổ chức kế hoạch thi, ra đề thi.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng

"Phân cấp cho các địa phương họ rất phấn khởi, làm rất nhanh", người đứng đầu ngành Nội vụ nói và cho biết, tới đây bộ tiếp tục phân cấp và đẩy mạnh một số lĩnh vực khác, trong đó có cả việc tinh giản biên chế.

Về thanh tra, kiểm tra, tư lệnh ngành Nội vụ cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng. Ông cho biết, vừa rồi Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ và đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra công vụ ít nhất 30%. Trong các đơn vị trực thuộc bộ cũng phải thanh tra, kiểm tra 30%.

“Không phải đi thanh tra, kiểm tra người khác rồi lại không “làm” mình. Tôi đã nói với các đơn vị trực thuộc bộ, trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình đã” - Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Nói về cải cách thủ tục hành chính, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, phải đổi mục tiêu, đừng quản lý công việc, đừng quá thiên về chi tiết, cầm tay chỉ việc, sợ cái này, sợ cái kia.

"Mình sợ một người gian làm khó 100 người ngay thì không được”, ông Tân nói và lưu ý hông thể để một cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CCHC mà nằm ở vị trí thứ 9 về CCHC và đứng thứ 17/19 về cải cách thủ tục hành chính.

Giải thích việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chậm chễ, Bộ trưởng Nội vụ nêu 3 nguyên nhân. "Không thể chúng ta chỉ làm việc 8 tiếng tại cơ quan được. Tôi nói bây giờ kể cả ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ cũng phải có người trực làm việc ở đây. Tôi gọi các cục, vụ bất cứ lúc nào và lúc nào cũng phải phát hành văn bản, dù lúc đó là 11h đêm".

Ông kể, có hôm thứ 7, chủ nhật, 23h30, Văn phòng Chính phủ vẫn bấm chuông đưa thư và tối đó ông xử lý văn bản và ký xong, không chờ đến thứ 2.

“Chúng ta không phải học ai mà học ngay VPCP cách làm việc như thế. Đừng ngâm việc. Tôi không bao giờ để tài liệu quá 1 ngày mà các cán bộ phòng ban để 3, 4 ngày là không được đâu”, Bộ trưởng Nội vụ nhắc cán bộ của mình.

P.Thảo