Bộ luật Dân sự dài nhất, nhưng lại có tuổi thọ ngắn nhất
Bộ luật Dân sự có đề cập đến sở hữu toàn dân, nhưng không định danh cụ thể là cái gì, có phải là công sản? Sở hữu toàn dân có phải sở hữu nhà nước? Những vấn đề đó luật không đề cập đến. Và phải chăng Quốc hội (QH) sẽ lại phải ban hành thêm một luật sở hữu toàn dân?
Nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp mới, Luật Dân sự sửa đổi nhấn mạnh vào các nguyên tắc cơ bản là tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên. Theo đó: "Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng".
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, các quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản là những quy định mới, nhằm hướng tới tinh thần của Hiến pháp là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, vấn đề sở hữu - vấn đề cốt lõi trong các quan hệ dân sự - một lần nữa lại được đặt ra.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nêu vướng trong xác lập quyền sở hữu, như việc mua BĐS phải đăng ký mới được coi là sở hữu, nhưng thực tế có nhiều người bán đã nhận đủ tiền, người mua chưa chuyển quyền sở hữu, dẫn đến tranh chấp.
Theo ông, nên quy định khi chuyển tiền là đã xác lập quyền sở hữu chứ không thể phải đợi đến thời điểm đăng ký. ĐBQH Ngô Văn Minh nêu: Luật này quy định phải đăng ký tài sản. Nhưng vấn đề có thể liên quan đến các luật khác, như Luật Đất đai chẳng hạn. Vậy tất cả tài sản đều phải đăng ký để thực hiện Luật Dân sự, hay cho ra đời thêm một luật nữa?
Tham dự phiên họp, Giáo sư khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ngô Huy Cương phát biểu có tính chất giải thích: Đất đai là sở hữu toàn dân, vậy là thuộc Nhà nước. Người dân chỉ có tài sản trên đất. Tài sản công là cùng nhau khai thác, ví như người dân ra khơi đánh cá. “Ta có 90 triệu dân, vậy có ai đi mua nhà cũng mang theo Bộ luật Dân sự? Các luật gia đọc còn không hiểu, nói gì là người dân. Dân cũng có phải ai cũng là luật gia đâu? Bộ luật Dân sự là bộ mặt của giới luật gia của một nước.
Vì vậy đề nghị QH ra một nghị quyết thành lập ban soạn thảo gồm các chuyên gia, chứ giao cho Bộ Tư pháp là không ổn. Bộ Tư pháp có tham gia xét xử, nghiên cứu bao giờ đâu mà làm được. Không ai giao cho một người làm đến lần thứ 3, trong khi cả 2 lần trước đều làm hỏng” - GS than phiền: Điều đáng buồn là nước ta có Bộ luật Dân sự dài nhất, nhưng tuổi thọ lại ngắn nhất thế giới.
Bộ luật Dân sự sẽ được lấy ý kiến trước khi thảo luận tại kỳ họp QH tới.
Theo Anh Đào
Lao Động