Bộ Công an muốn có lực lượng bắn tỉa để bảo vệ yếu nhân
(Dân trí) - Nhận định quy định hiện hành về các trường hợp cảnh vệ được nổ súng, hành động để bảo vệ lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ trưởng Công an Tô Lâm lấy ví dụ, ngay lực lượng bắn tỉa trong đội ngũ cũng chưa có…
Thượng tướng Tô Lâm nêu vấn đề này tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Cảnh vệ trong khuôn khổ phiên họp thứ 2 của cơ quan này diễn ra sáng 15/8.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, pháp luật hiện hành quy định các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ tại Nghị định số 128 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ (là văn bản mật).
Tuy nhiên hiện nay các trường hợp nổ súng được quy định ngay trong dự thảo Luật vì việc nổ súng của lực lượng Cảnh vệ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên theo quy định của Hiến pháp năm 2013, vấn đề này phải quy định trong Luật.
Từ đó, cơ quan soạn thảo luật Cảnh vệ đề xuất Điều 19 quy định: sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng trong 3 trường hợp cụ thể.
Đầu tiên, cảnh vệ được nổ súng để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.
Trường hợp thứ 2 cảnh vệ được nổ súng để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả.
Cao nhất, cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ.
Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trong thường trực UB còn ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Bên cạnh một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật thì một số ý kiến đề nghị chỉ quy định có tính nguyên tắc đối với lực lượng cảnh vệ khi thi hành công vụ; còn việc sử dụng vũ khí trong các trường hợp cụ thể phải tuân thủ các quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không nên quy định việc nổ súng riêng cho từng lực lượng có nhiệm vụ thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ việc quy định cảnh vệ được nổ súng. Điều đó có nghĩa là lực lượng cảnh vệ được mang súng lên máy bay và cần quy định, bất cứ phi công nào đang lái trên bầu trời Việt Nam đều phải chấp nhận quy định này.
Dẫn ví dụ ở Mỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lực lượng tháp tùng các chức danh lãnh đạo như bà và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (ủy viên Bộ Chính trị), là đã có lực lượng mật vụ riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định cụ thể về quyền nổ súng là để bảo vệ các đối tượng đặc biệt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại lo ngại quy định như thế là trao quyền quá lớn cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ về việc được hành động để tiêu diệt, tước bỏ mạng sống của người khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, các cán bộ cảnh vệ đều được học, luyện võ thường xuyên, có thể quật ngã, khóa tay… đối tượng, không phải lúc nào cũng cần nghĩ sớm đến trường hợp nổ súng.
“Để gây thương tích cho đối tượng cũng không nhất định phải nổ súng mà có nhiều phương tiện phòng vệ, tấn công khác. Không nên ghi về quyền nổ súng, tiêu diệt đối tượng sớm quá” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, quy định về chế độ nổ súng đảm bảo rất chặt chẽ. Quy định hiện hành về vấn đề này tại một Nghị định của Chính phủ chưa đạt yêu cầu công tác thực tế. Người đứng đầu ngành công an dẫn chứng, trong lực lượng cảnh vệ đáng lẽ phải có bộ phận bắn tỉa nhưng để thành lập, hoạt động thì rất khó khăn.
“Vậy nên nếu giờ vẫn không quy định trong luật về quyền nổ súng thì rất hạn chế hoạt động của lực lượng cảnh vệ để hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Việc nổ súng trấn áp đe dọa rất quan trọng, các nước đều có, chứ không riêng gì lực lượng tiếp cận. Nếu quy định khắt khe quá thì anh em luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, khó khăn trong triển khai” – Thượng tướng Tô Lâm nói.
P. Thảo