Bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
(Dân trí) - Chiều 7/5, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị này, Trung ương đã xem xét, quyết định về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng; đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết Hội nghị.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
* Ban Chấp hành Trung ương phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ
Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là "cái gốc của mọi công việc", "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", "then chốt của then chốt", Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị.
Trung ương nhấn mạnh: Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu, kỷ luật nghiêm minh; có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là phải: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao...
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.
Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển. Tăng số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn chiến lược, lĩnh vực công tác quan trọng; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương nhất trí cao với báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng, Trung ương nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu. Các đảng bộ trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương, lựa chọn được các đại biểu thực sự tiêu biểu, đại diện xứng đáng cho đảng bộ của mình đi dự Đại hội toàn quốc của Đảng.
* Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương
Trung ương khẳng định, đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Chính trị, Trung ương đã thảo luận, phân tích kỹ những mặt ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án và đã quyết định chọn phương án "Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân)".
Việc phân biệt chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thể hiện trong các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý khác nhau giữa đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, chính quyền nông thôn cần được chú trọng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với các thị xã, quận, phường...
Trung ương nhấn mạnh cần tập trung tinh giản bộ máy, biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; đổi mới, quy định thật rõ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của cấp trên đối với cấp dưới; tạo điều kiện để chính quyền các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời bảo đảm sự kiểm tra, giám sát của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới.
* Chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, đúng đắn
Tổng Bí thư nêu rõ: Sau khi thảo luận, xem xét các vấn đề nêu trong Tờ trình và Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Trung ương tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12-2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung ương yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Ngay trong giai đoạn xây dựng Báo cáo đầu tư trình Quốc hội đã phải cố gắng cung cấp một cách tương đối chuẩn xác tình hình, số liệu để chứng minh có sức thuyết phục về các phương án, đề xuất nêu trong Tờ trình như: Sự cần thiết phải lựa chọn địa điểm Long Thành; sự phù hợp của Dự án với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; vấn đề sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi Dự án hoàn thành; hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư của Dự án; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vấn đề huy động các nguồn vốn đầu tư của xã hội, khả năng hoàn vốn; biện pháp khắc phục tình trạng lâu nay các dự án đầu tư thường vượt quá cao so với dự toán ban đầu…Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2015, tiến tới Đại hội XII của Đảng, mỗi đồng chí Trung ương hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt là chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị thật tốt nhân sự Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khoá XII ; bầu chọn đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương lần này. /.
TTXVN