Bầu lại nhân sự cấp cao để tránh những khoảng trống quyền lực

(Dân trí) - Nói về việc Quốc hội quyết định bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng mới và kiện toàn hệ thống các cơ quan nhà nước khi nhiệm kỳ khoá XIII sắp khép lại, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Lê Nam giải thích: “Quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước không nên để có những khoảng trống, đặc biệt là quyền lực”.


Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa).

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa).

Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp cuối cùng này sẽ làm một việc không phải hi hữu nhưng cũng ít thấy trong lịch sử đó là bầu nhân sự cấp cao lần thứ 2 trong cùng một nhiệm kỳ, ngay khi chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc sứ mệnh. Xung quanh việc này hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn vì sau lần kiện toàn này, 3 tháng sau, Quốc hội khoá mới cũng phải làm lại quy trình này. Quan điểm của cá nhân ông?

Việc kiện toàn nhân sự cấp cao ngay tại kỳ họp này tôi thấy cần thiết, căn cứ trên yêu cầu của thực tiễn, quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước không nên để có những khoảng trống, đặc biệt là quyền lực.

Trong thể chế của Việt Nam, những người giữ cương vị lãnh đạo mà lại không đồng thời giữ vị trí trong Đảng thì sự thật là sẽ rất khó trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ mà Quốc hội, nhân dân giao phó. Vậy nên việc kiện toàn nhân sự ngay tốt cho công việc chung đồng thời cùng tốt cho những đồng chí đang giữ những cương vị lãnh đạo mà Đảng đã ghi nhận các đồng chí đó đã hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vì sẽ rất khó cho công việc của một lãnh đạo khi người đó không có đầy đủ quyền lực về mặt luật pháp, chính trị.

Quyền lực chính trị đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ bởi vì giữ cương vị trọng trách nào đó trong bộ máy mà lại không đồng hành với vị trí, quyền lực chính trị thì quả là khó. Vậy nên việc kiện toàn nhân sự cấp cao ngay tại kỳ họp này là hợp lý.

Tuy nhiên, với những chức danh nào theo quy định pháp luật vẫn chưa đầy đủ các yếu tố thì cũng còn phải cân nhắc.

Ông đã đề cập đến quy định, một số chức danh lãnh đạo chỉ được bầu trong số đại biểu Quốc hội. Nhưng việc lựa chọn đại biểu Quốc hội khoá tới (sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016) thì còn phụ thuộc vào cử tri. Cũng có giả thiết đặt ra, nếu có trường hợp nhân sự cấp cao được bầu tại kỳ này nhưng lại không trúng cử đại biểu Quốc hội khoá mới thì lại phải chuyển giao quyền lực và kiện toàn lại bộ máy, chỉ trong khoảng 3 tháng tới thì có nên?

Về lý thuyết thì điều đó có thể xảy ra nhưng về thực tế thì chắc sẽ không xảy ra, tôi tin là như thế. Những đồng chí ấy là những người đã có tín nhiệm, có sự khẳng định trong thực tế, họ có điều kiện, hội đầy đủ những yếu tố để không rơi vào trường hợp họ không được cử tri tín nhiệm, bầu.

Trong quá trình vận động, tranh cử hiện tại, chúng ta cũng có đủ điều kiện để làm cho cử tri hiểu được rằng việc tái cử của các đồng chí đó là rất cần thiết. Thực tế, quá trình bầu cử vừa qua chúng ta cũng thấy là không xảy ra trường hợp bất thường thế.

Vậy nên tôi tin về lý thuyết trường hợp đó có thể xảy ra nhưng thực tế thì không. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó việc này xảy ra thật thì ta cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật thôi.

Cá nhân ông kỳ vọng gì về những người sẽ giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt của đất nước mà Quốc hội sắp bầu tới đây?

Đất nước mình hiện đang đứng trước vô vàn thách thức, yếu tố khách quan biến đổi khí hậu đang diễn ra, miền Trung khô hạn, Tây Nguyên khát bỏng như thế, rồi biển Đông căng thẳng. Các vấn đề trong nước cũng có nhiều thách thức, đơn cử như vấn đề nợ công - túi tiền quốc gia đang có nhiều vấn đề.

Trong bối cảnh đó thì những đồng chí lãnh được được bầu tới đây sẽ rất vất vả nhưng tôi tin các đồng chí sẽ vững vàng vì thực tế cũng đã có nền móng từ những việc chúng ta đạt được trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế cũng có những cơ hội, mà nếu ta biết tranh thủ thì sẽ giúp giải quyết được những vấn đề hiện tại.

Xét về lòng dân trong nước hiện tại thì không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp giải quyết được vấn đề vì chỉ sức dân mới làm được mọi việc, không thể là điểm tựa nào khác. Tư duy theo hướng đó đang thể hiện ở nhiều cán bộ lãnh đạo, giống như việc ông Đinh La Thăng đã làm ở Bộ Giao thông vận tải vừa qua và giờ đang tiếp tục thể hiện tại TPHCM. Tôi cho đó là những tín hiệu tích cực từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Với tư tưởng như thế, tôi tin các đồng chí kế nhiệm sẽ làm được.

Trong tình hình đất nước còn nhiều bề bộn như ông nói mà sức người, sức dân cũng có hạn, ông mong muốn những lãnh đạo mới ưu tiên giải quyết việc gì sau khi nhận nhiệm vụ?

Cuộc sống giờ đang có nhiều bức xúc lắm, ví dụ như những vấn đề về nông nghiệp, biến đổi khí hậu, tôi thấy nó có thể xoay chuyển ngay tình thế đất nước chứ không phải là những chuyện dự báo, kế hoạch, tính đến năm 2020 hay bao nhiêu nữa. Việc này đã xảy ra ngay bây giờ rồi mà hệ quả rất khủng khiếp, dường như chúng ta lâu nay chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo đất nước phải ngay lập tức bắt tay vào việc này.

Sau nữa là vấn đề bộ máy đất nước, hiện đang quá cồng kềnh, quá nhiều chuyện, giờ phải thay đổi nó, trong đó có cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhân dân rất chờ đợi, rất mong mỏi mà chúng ta cũng chưa làm được bao nhiêu trong khi đã có rất nhiều nghị quyết, văn bản, nhiều quyết tâm chính trị.

Vấn đề thứ ba là bảo vệ chủ quyền, đất đai, lãnh thổ cha ông để lại, rồi con cháu sau này yêu cầu. Những việc chúng ta làm được dường như chưa làm cho người dân yên lòng được.

P.Thảo