Bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính: Ngành nào cũng khó!

(Dân trí) - Hiện nay, mức xử lý vi phạm hành chính về giao thông, y tế, thương mại… quá thấp, chưa có tính răn đe; trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập đã gây khó khăn cho các ngành, các địa phương khi thực hiện công tác trong lĩnh vực này.

Trên đây là nhận định chung mà các Sở, Ban ngành tỉnh Hậu Giang đưa ra trong Hội nghị về “Thực trạng và giải pháp công tác xử lý vi phạm hành chính” vừa được Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang tổ chức tại tỉnh Hậu Giang.

Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, trong năm 2014, tổng số vụ việc vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh là khoảng 1,396 triệu vụ; ra quyết định xử phạt 1,392 triệu vụ việc với tổng số tiền phạt là gần 90 tỷ đồng. Trong đó, tình hình vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội có số vụ vi phạm tương đối cao, với 1,3 triệu vụ về lĩnh vực này bị phát hiện và xử lý.

Bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính: Ngành nào cũng khó!
Bà Phạm Thanh Tuyền- PGĐ Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đánh giá: Luật xử lý vi phạm hành vẫn còn một số quy định bất cập, khó thực hiện. 

Bà Phạm Thanh Tuyền- Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang- cho biết, qua đánh giá, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn và vướng mắc. Trong đó, có một số quy định trong Luật Xử lý VPHC (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) vẫn còn nhiều bất cập, khó thực hiện.

Theo bà Tuyền, còn nhiều hành vi VPHC trong Luật quy định chưa rõ, chưa được mô tả cụ thể gây khó khăn trong quá trình xử lý. Như hiện nay có một số trường hợp cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân kinh doanh VPHC, khi xác định xử phạt thì không xác định được hành vi này là của tổ chức hay cá nhân để xử phạt. Cụ thể, trên địa bàn TP Vị Thanh (Hậu Giang) có 2 trường hợp là Chi nhánh DNTN Y.N. và DNTN N.Q. rơi vào trường hợp này, vẫn chưa xác định mức phạt.

Nhấn mạnh về bất cập trong Luật Xử lý VPHC, bà Tuyền cho biết, có vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, khi rơi vào trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần gia hạn (khoản 1, Điều 66) thì xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vậy trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi gia hạn thì xin ý kiến của cơ quan nào? Nếu xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho từng trường hợp thì rất khó và không khả thi trong việc áp dụng để giải quyết các vụ việc vì không đảm bảo thời gian quy định.

Theo quy định (Điều 105) thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc TAND cấp huyện. Nhưng theo quy định tại Điều 9, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định phải có 7- 8 loại giấy tờ. Đây là những quy định quá khó đối với cấp xã khi tiến hành lập thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, Điều 14 của NĐ 221 quy định tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định phải đảm bảo các điều kiện vật chất, nhân sự và kinh phí hỗ trợ trực tiếp…Đây là điều khoản không khả thi trên thực tế làm cho cấp xã không thể hoàn thành thủ tục cần thiết.

Một bất cập khác như theo Thông tư số 20/2014/TT-BTP ngày 25/9/2014 của Bộ Tư pháp về ban hành biểu mẫu sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý vi phạm giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Thông tư 42/2014/TT-BCA của Bộ Công an ban hành có nhiều biểu mẫu trùng nhau, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.

Cũng theo bà Tuyền, một bất cập khác là tại khoản 3, Điều 18 Luật xử lý VPHC quy định “Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có thẩm quyền phát hiện quyết định về xử lý VPHC có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới…”. Tuy nhiên, điều này lại “tréo ngoe” bởi theo điểm d, khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý VPHC thì “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”. Nếu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, bãi bỏ quyết định xử lý đó thì hậu quả ra sao nếu thuộc trường hợp người vi phạm đã chấp hành xong quyết định? Trường hợp hồ sơ VPHC được lập không đúng quy định hoặc đã ra quyết định xử phạt nhưng phát hiện không đúng quy định thì xử lý biên bản nhưng cách xử lý như thế nào? Sau khi xử lý, nếu còn thời hiệu, thời hạn xử phạt có được tiếp tục thực hiện các thủ tục xử phạt hay không? Đây cũng là những vấn đề gây nhiều khó khăn cho các tổ chức, các nhân trong quá trình thực hiện.

Ngành nào cũng gặp khó!

Qua đánh giá chung của nhiều Sở, Ban ngành tỉnh Hậu Giang, công tác xử lý VPHC ở mỗi ngành như nông ngiệp, công thương, y tế, giao thông, lao động, thuế…đều có những khó khăn nhất định.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, số lượng các vụ việc vi phạm về trật tự an toàn giao thông đã được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2014, lực lượng ngành đã phát hiện trên 76.600 trường hợp vi phạm an toàn giao thông (cả đường bộ và đường thủy) với số tiền xử phạt 49 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang, công tác xử lý VPHC ở lĩnh vực trật tự an toàn giao thông trên địa bàn khó là việc xử lý, cưỡng chế hành chính chưa thực sự triệt để, còn bỏ sót vi phạm, áp dụng không đúng quy định của pháp luật như hành vi vi phạm đủ yếu tố xử lý VPHC nhưng cơ quan xử lý chỉ nhắc nhở, áp dụng không đúng khung phạt, quyết định cưỡng chế không nghiêm, còn e dè. Trong khi đó, việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC của người vi phạm chưa nghiêm, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành (trong năm 2014 còn khoảng 26,3% quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được thực hiện).

Xử lý hành vi vi phạm giao thông vẫn còn những khó khăn nhất định.
Xử lý hành vi vi phạm giao thông vẫn còn những khó khăn nhất định.

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang cho biết, khó khăn trong công tác xử lý VPHC ngành thuế là hiện nay do thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp còn nhiều sơ hở. Lợi dụng sự thông thoáng này mà một số doanh nghiệp không có năng lực về chuyên môn, không đủ năng lực về tài chính cũng được phép thành lập nhưng lại không hoạt động sản xuất mà chủ yếu nhằm mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế, gây hậu quả thất thoát ngân sách nhà nước. Một số trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế với số tiền lớn nhưng khi Đoàn thanh tra, kiểm tra lập biên bản, quyết định xử phạt thì doanh nghiệp đó lại không chấp hành, thậm chí bỏ trốn.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, tồn tại khó khăn trên một phần do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn chưa đồng bộ. Việc cụ thể hóa các căn cứ pháp lý để xử phạt các hành vi VPHC về thuế còn nhiều vướng mắc. Từ đó dẫn đến khó khăn trong khâu xử lý, phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Còn theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, khó khăn trong công tác xử lý VPHC hiện nay ở ngành là xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng. Lãnh đạo Sở Công thương Hậu Giang cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả và nguy hiểm hơn là phong phú về chủng loại. Chính việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Lãnh đạo Sở Công thương Hậu Giang cho rằng, nguyên nhân tồn tại trước hết là do bất cập trong cơ chế quản lý. Việc quản lý, kiểm tra, xử phạt ở lĩnh vực này có đến 5, 6 cơ quan. Tuy nhiên, lực lượng này dù đông nhưng lại không mạnh do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ, lại chồng chéo nhau. Bên cạnh đó do luật chưa kín, chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe với các trường hợp vi phạm nên nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật, nếu bị phát hiện thì họ cũng sẵn sàng nộp phạt.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thì cho hay, ngành này gặp khó trong việc quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp. Cụ thể là vấn đề kết quả bóc các mẫu (để kiểm tra hàng vật tư thật hay giả) gửi các Trung tâm phân tích, kiểm nghiệm là vấn đề cần phải xem xét và quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP.

Theo lãnh đạo Sở này, với vấn đề trên thì thực tế hiện nay chưa có quy định và chưa có Trung tâm phân tích đủ trình độ, năng lực để trở thành trọng tài nên có trường hợp một mẫu phân bón gửi 3 Trung tâm phân tích cho ra 3 kết quả khác nhau, sai số lên tới hàng chục phần trăm. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý lúng túng không biết xử lý theo hướng nào khi 3 Trung tâm phân tích đều có chứng nhận pháp lý như nhau. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật lại quy định mức phạt thấp, nên chưa tạo được tính răn đe chung.

Còn ngành Y tế tỉnh Hậu Giang thì cho biết, việc quản lý, xử phạt về vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề khó khăn hiện nay của ngành này. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hậu Giang, một bất cập là chế tài xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đủ sức giáo dục, răn đe người vi phạm. Như tại điểm a, khoản 2, Điều 10 của Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với vi phạm dưới 10 người. Như vậy mức phạt trung bình là 750.000 đồng vẫn thấp hơn chi phí tổ chức khám sức khỏe cho 9 người.

Một tồn tại khác mà ngành Y tế đưa ra là khi có quyết định xử phạt nhưng các cơ sở kinh doanh lại không chấp hành. Trong khi đó, chi phí cưỡng chế vi phạm lại còn hạn chế. Theo quy định thì chi phí cưỡng chế do người vi phạm chịu nhưng hầu như là không thu được. Nếu đơn vị dùng ngân sách thì vi phạm Luật, còn không dùng ngân sách thì không có nguồn để thực hiện nên rất khó.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, ngành này cũng có vướng mắc trong việc xử lý VPHC về an toàn lao động. Trong đó bất cập là việc xử phạt các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn các vi phạm. Như Nghị định 95/2013/NĐ-CP tại điểm b, khoản 1, Điều 16 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như không thống kê, báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Hoặc người sử dụng lao động mà thực hiện không đúng quy định về an toàn lao động chỉ bị xử lý VPHC và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang, với những vi phạm nêu trên thì mức xử phạt nhẹ từ đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, nhất là về an toàn lao động cho người lao động hiểu để có ý thức phòng tránh, hạn chế xảy ra tai nạn lao động hoặc chưa trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động.

Với những bất cập, tồn tại trong công tác xử lý VPHC mà các ngành đang gặp phải, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Hậu Giang cho rằng, để khắc phục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với những đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần có chế tài, xem xét mức xử phạt sao cho đủ mạnh mới có tính răn đe. Từ đó góp phần hạn chế thấp nhất những vi phạm ở các lĩnh vực, bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân.

Trước những phản ánh của các Sở, ngành tỉnh Hậu Giang, tại Hội nghị, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy- Cục phó Cục công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) cho biết, trước những mâu thuẫn, bất cập, khập khiễng trong các quy định, nghị định…ở từng lĩnh vực mà các Sở, ngành đưa ra, Cục sẽ ghi nhận, tổng hợp và có báo cáo cụ thể với lãnh đạo Bộ Tư pháp để có hướng tháo gỡ, tạo thuận lợi để các địa phương thực hiện.

                                                                                    Huỳnh Hải