Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
(Dân trí) - “Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” - là chủ đề cuộc Hội thảo quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối họp tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội.
Gần 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, tổ chức Hội nhà báo các cấp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo báo chí, các nhà khoa học, nhà báo... trong cả nước đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động, để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, trước tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập yếu kém. Bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu dự Hội thảo thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những bài học kinh nghiệm thành công và những khuyết điểm, yếu kém; tư vấn, kiến nghị những giải pháp thiết thực nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Trung ương; trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, chủ đề của Hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí hiện nay. Đa số các tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung có tầm bao quát như quản lý, chỉ đạo, định hướng báo chí; lý luận về báo chí, truyền thông hiện đại; kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường truyền thông hiện nay; pháp luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; kinh doanh báo chí, truyền thông và xu hướng phát triển của báo chí truyền thông hiện đại…
Gần 90 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo lão thành, các nhà báo ở khắp mọi miền Tổ quốc được trình bày và gửi tới Hội thảo đã tập trung phân tích những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của nền báo chí cách mạng Việt Nam qua 30 năm đổi mới. Các vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí 30 năm qua; vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển đất nước đã được các đại biểu tập trung thảo luận.
Các tham luận cũng tập trung làm rõ về sự phát triển lý luận báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay (nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống); sự vận động và phát triển của nghiệp vụ báo chí; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.
Tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; những sai phạm, bất cập thường gặp; trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí; những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp; xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam; kinh tế báo chí truyền thông và xu hướng phát triển của báo chí hiện đại; tìm hướng đi cho sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Đặc biệt vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, việc thực hiện 10 điều trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam vừa được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành cũng được các đại biểu tham dự Hội thảo đặt ra.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý báo chí truyền thông, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong 30 năm lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trong từng giai đoạn, Đảng, Nhà nước ta đã có những đổi mới quan trọng về tư duy, phương thức lãnh đạo, quản lý đối với báo chí. Trước yêu cầu mới của cách mạng, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thành tựu của 30 năm Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng có đóng góp quan trọng của báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” có thể gây tác động khôn lường.
Cùng chung quan điểm trên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh trong tham luận: “Công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí năm 2016 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới” đã chỉ rõ, năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là yêu cầu tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương vào cuộc sống…
Sau phiên họp toàn thể, các đại biểu tiến hành thảo luận ở 2 tiểu ban: Những vấn đề lý luận báo chí và Những vấn đề thực tiễn hoạt động báo chí.
Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam - trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã tổ chức Lễ trao Giải ảnh báo chí “ASEAN - Một cộng đồng” cho các tác giả thuộc CAJ.
Tác phẩm ảnh báo chí “Lễ hội té nước tỉnh Nong Khai” của tác giả Mongkolchai Panyatrakul (Liên đoàn Báo chí Thái Lan) đã đạt giải Nhất cuộc thi.
Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Lễ hội đua bò Bảy Núi” của tác giả Nguyễn Hữu Định (Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang).
Ban Tổ chức đã trao 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các tác giả đoạt giải.
Ngay tại khuôn viên Hội thảo, Ban Tổ chức đã triển lãm 87 tác phẩm ảnh báo chí tiêu biểu của các nhà báo ASEAN về đất nước - con người ASEAN.
Theo TTXVN