“Báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi có hai chữ Biển Đông”

(Dân trí) - Trước Quốc hội sáng 26/10, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định, Biển Đông là không gian lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của đất nước. Báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi người ta thấy ở đó hai chữ Biển Đông.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 26/10, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết dự án Long Thành đã được bàn tại Quốc hội, đang đợi chủ trương triển khai. Theo ông, người dân chờ đợi, chính quyền sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến giờ văn bản trình Chính phủ vẫn chưa được thông qua.

Dẫn ra thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM cho thấy dự án càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm cho triển khai để dự án thành hiện thực, triển khai kế hoạch kết nối giao thông để đảm bảo đồng bộ.

 

“Báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi có hai chữ Biển Đông” - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

 

Chấm dứt kiểu "phạt cho tồn tại"

Đại biểu Dương Trung Quốc kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt “cái gọi là phạt cho tồn tại”, vì rất nhiều sự việc hiện nay đang bức xúc và gây nhiều hậu quả.

Phạt cho tồn tại là sự tích tụ huỷ hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Như vụ việc diễn ra ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng mà qua tay xã hội đen đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Hay vụ việc nảy sinh ở khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) bị xẻ thịt đang gây ồn ào dư luận.

“Rõ ràng bộ máy chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng sẽ có những cái lọt qua tay”- ông Quốc thẳng thắn.

Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Quốc, trong văn bản báo cáo của Chính phủ, vấn đề an ninh quốc phòng “viết rất nhẹ nhàng”, chỉ nêu vấn đề đấu tranh bảo vệ lãnh thổ còn nhiều khó khăn; 2 chữ Biển Đông không hề được nhắc đến.

“Biển Đông là không gian lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của đất nước. Chúng ta không những bảo vệ chủ quyền mà còn đấu tranh đòi lại chủ quyền. Chúng ta cùng với thế giới quan tâm đến lợi ích chung về việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, nhưng cũng không thể phó mặc cho thiên hạ làm. Báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi người ta thấy ở đó hai chữ Biển Đông”- ông Quốc nêu quan điểm.

Hơn nữa, thực tế xung đột thương mại Mỹ - Trung đang tác động trực tiếp đến Việt Nam. Dự báo của các nhà nghiên cứu cho thấy Việt Nam có khả năng hưởng lợi hoặc chịu hại tuỳ thuộc vào ứng xử của chúng ta. “Nhưng hầu như điều này báo cáo của Chính phủ cũng không nhắc tới. Ngay cả việc chuẩn bị tâm thế, vì rất có thể chúng ta rơi vào cái bẫy để các quốc gia lợi dụng cũng không nhắc tới”- ông Quốc nêu thực tế.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng lòng tin của người dân thì mất nhiều

Cuối bài phát biểu của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc trăn trở câu chuyện mà nhiều cử tri vẫn hỏi: “Đã 1 năm trôi qua, câu hỏi của anh ở Quốc hội đã có ai trả lời chưa?".

Cụ thể, cách đây 1 năm ở Quốc hội, đại biểu đã nói về vụ việc liên quan đến Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là cụ Lê Đình Kình - một cụ già 82 tuổi “tự làm gãy chân của mình”.

“Cụ Kình đã có văn bản gửi nói rằng nếu đó là kết luận thì cụ sẽ mắc tội nặng là vu khống cho công an, và đề nghị xử lý. Văn bản của cụ tôi biết đã gửi tới Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhưng đến nay chưa nhận được trả lời”- ông Quốc nói trước Quốc hội.

Vị đại biểu Đồng Nai chốt lại: “Chuyện tưởng nhỏ nhưng lòng tin của người dân thì mất nhiều. Những chuyện đó tôi cho là phải trả lời ngay, công khai với tinh thần cầu thị. Mọi sai lầm chúng ta đều có thể khắc phục nếu được người dân chia sẻ. Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn mà cả những vấn đề nhỏ để có sự phát triển bền vững hơn”.

 

Đề xuất sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên việc này diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Hạ cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. “Nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh”- ông nói.

Theo ông, gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố bởi đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Xuân Thăng nhận xét, việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tạo ra chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.

“Đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng”- ông Thăng đề xuất.

 

Thế Kha