Kỳ họp thứ 15 - HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII:
“Bán một miếng đất rẻo mà 7 – 8 cơ quan tham gia”
(Dân trí) - “Nghe cũng thấm thêm, bán 1 miếng đất rẻo mà 7 -8 cơ quan tham gia… Cải cách hành chính chi lạ”, ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.
Cần công khai những dự án lớn, nhạy cảm
Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII nhiệm kỳ 2011 – 2016 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận chung. Đại biểu Mai Đức Lộc cho biết, hiện TP Đà Nẵng có gần 1.600 đường có tên, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng cần có phương thức, đánh giá nghiêm túc và khoa học về các lợi thế của thành phố để có đề xuất hướng phát triển.
Cũng theo đại biểu Lộc, bất cập lớn nhất của Đà Nẵng là quy mô kinh tế nhỏ. 2017 Đà Nẵng phải trả nợ 1.700 tỉ đồng, nếu tính bình quân thì tổng thu không đủ trả nợ. Thực tế không có lựa chọn nào khác nếu không nhanh chóng cải thiện đầu tư. Quan trọng nhất là lãnh đạo thành phố phải có "tuyên ngôn" với các nhà đầu tư: “TP Đà nẵng yên bình nhưng là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư tới”. Phải xem việc cấp giấy, phục vụ dự án là cảm ơn nhà đầu tư chứ không phải là ban phát.
Đại biểu Lộc cũng đề nghị cần công khai minh bạch một số việc, đặc biệt là chủ trương đầu tư đối với các dự án lớn, các dự án nhạy cảm; đồng thời đề nghị thành phố sớm công bố quy hoạch 2 bên bờ sông Hàn.
Cũng theo đại biểu Lộc, nếu không sai luật, đề nghị công khai mức đóng thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng mua bán ở quận này nhưng đóng thuế ở quận khác, sẽ không biết mức đóng thuế của doanh nghiệp này là bao nhiêu.
Có nên xây thêm cầu vượt, cầu qua sông Hàn?
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến nên hay không nên xây cầu vượt tại nút giao thông Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ - Lê Độ và xây thêm cầu qua sông Hàn để tránh ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.
Ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, mặc dù thành phố đã có chủ trương làm cầu vượt ở nút giao thông Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ - Lê Độ nhưng ý kiến người dân cho rằng, thay vì làm cầu vượt thì bóp nhỏ bùng binh lại, lắp đèn xanh, đèn đỏ và cấm xe tải đi vào những giờ cao điểm. Chỗ bùng binh Lê Văn Hiến – Hồ Xuân Hương sau khi làm như thế đã giảm được tai nạn giao thông. Và ông Thọ đề nghị các đại biểu nêu ý kiến để UBND TP cân nhắc đến vấn đề này.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào đề nghị thành phố nghiên cứu rà soát các cầu vượt cho nó phù hợp. Theo bà Đào, tại ngã tư Lê Độ - Nguyễn Tri Phương, tuyến đường này nhiều xe tải vào thành phố, vào giờ cao điểm xảy ra tai nạn rất thương tâm. Ý kiến cử tri tha thiết đề nghị thu nhỏ bùng binh, làm khẩn cấp đèn xanh, đèn đỏ và cấm xe tải vào giờ cao điểm.
Bà Đào cũng đề nghị thành phố nghiên cứu kỹ hơn việc xây thêm cầu qua sông Hàn. Cự ly giữa cầu sông Hàn và cầu Rồng hiện tại khoảng cách 1,2 km, giờ cao điểm hay bị kẹt xe, ở thành phố nào cũng vậy. Vì thế cần có biện pháp phù hợp như phân luồng, phân tuyến. Nếu có nhiều cầu vẫn kẹt, biện pháp tốt nhất là phân luồng, phân tuyến theo giờ.
“Cần nghiên cứu có nên xây thêm cầu nhất là khi tình hình ngân sách, khủng hoảng kinh tế quá sâu, vay mượn thì sau này phải trả”, đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào nói.
Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Quang lại ủng hộ việc xây cầu vượt và xây thêm cầu qua sông Hàn.
Đại biểu Nguyễn Đăng Hải cũng đồng tình xây cầu vượt, bởi theo ông, cầu vượt là xu thế hiện đại. Ông cũng đồng tình làm cầu qua sông Hàn để thành phố đa dạng và đẹp, giải quyết bài toán giao thông và du lịch, nhưng phải nghiên cứu hợp lý.
Bán một miếng đất rẻo mà 7 – 8 cơ quan tham gia
Đại biểu Huỳnh Bá Cử cho biết, trên địa bàn thành phố vẫn còn đất rẻo và nhu cầu đổi thửa của người dân là chính đáng, vừa tốt cho công tác đăng ký quản lý đất đai, vừa tăng ngân sách cho địa phương. Song thực tế còn nhiều vấn đề bất cập. Thời gian tổ chức thực hiện kéo dài có khi hơn 1 năm. Việc giải quyết liên quan đến nhiều sở ngành như UBND xã (phường), Phòng Tài nguyên -Môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Văn phòng UBND TP, Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất nhưng cơ chế chưa chặt chẽ dẫn đến xử lý công việc triền miên. Đề nghị UBND TP nên xây dựng quy chế về quản lý đất rẻo, thực hiện tốt cải cách hành chính, công khai minh bạch cho dân được biết…
“Nghe cũng thấm thêm, bán 1 miếng đất rẻo mà 7 -8 cơ quan tham gia… Cải cách hành chính chi lạ”, ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Thái Thanh Hùng nêu vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo ông, sau 5 năm kết thúc nhiệm kỳ nhưng nhiều vấn đề chưa làm được, dân còn đang bức xúc, đó là vấn đề môi trường, đã nói nhiều rồi nên giờ không muốn nói nữa.
“Chúng tôi nhận khuyết điểm và xấu hổ với bà con cử tri. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn cứ ô nhiễm” ông Hùng nói.
Khánh Hồng