2019, phát triển mạnh khu bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô Hà Nội

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu này tại hội nghị tổng kết năm 2018, thực hiện kế hoạch năm 2019 của Bộ Xây dựng ngày 4/1. Theo đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp với TP Hà Nội điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng này, kiểm soát chặt vấn đề cao ốc mọc trong nội đô…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự, chỉ đạo hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 tại Bộ Xây dựng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự, chỉ đạo hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 tại Bộ Xây dựng

Tăng trưởng 9,2% năm 2018

Tại hội nghị, báo cáo của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng trình bày nêu rõ, năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành Xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%. Công tác xây dựng thể chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chuyên ngành có nhiều kết quả quan trọng, qua đó góp phần cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất xây dựng đạt 9,2% so với kế hoạch đề ra từ 8,46 đến 9,21%. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2).

Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng.

Trong năm, ngành Xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Về công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 22 Bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình bộ phận một cửa.

Công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã nề nếp hơn; vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể. Qua đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan); đứng thứ 20/190 nền kinh tế.

Nói về nhiệm vụ của năm 2019, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cụ thể cao hơn năm 2018 và tạo ra được sự bứt phá mới”.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu, ngay từ những ngày đầu, tuần đầu năm, trên cơ sở kế hoạch của Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải xây dựng chương trình hành động, gửi về Bộ trước 30/1/2019. Bộ trưởng cũng lưu ý việc tăng cường đôn đốc kiểm tra xử lý kịp thời các biểu hiện trì trệ trong quá trình thực hiện; tiếp tục thực hiện các đoàn kiểm tra thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng ở các địa phương.

Mục tiêu đề ra cho năm 2019 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu hình thành các công cụ quản lý cơ chế chính sách mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, bất động sản, vật liệu xây dựng, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp…

Bộ trưởng Xây dựng muốn có những giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, không để có sự vướng mắc, rối loạn, chậm chễ trong quá trình thực hiện. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, sai quy định, triển khai kịp thời có hiệu quả đề án phát triển đô thị thông mình. Đề xuất các giải pháp tổng thể về phát triển đô thị để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội.

Hiệu quả kiểm soát tầng cao, mật độ dân số đô thị đến đâu?

Phó Thủ tướng: Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.
Phó Thủ tướng: "Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong đó vẫn chậm so với yêu cầu, nhiều vướng mắc chậm được giải quyết.

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.

“Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các khu du lịch, đặc biệt là khu du lịch ven biển còn thiếu kiểm soát, còn thiếu các không gian công cộng cho người dân, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ Xây dựng, trong năm 2019 phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư PPP làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, công tác phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản còn chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng phát triển theo phong trào, chưa tuân thủ đúng nguyên tắc phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Nếu không có giải pháp kiểm soát sẽ đối mặt với nhưng rủi ro lớn trong tương lai.

Một nhiệm vụ cụ thể là Bộ Xây dựng phải chủ động phối hợp với TP.Hà Nội để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng phát triển mạnh khu vực Bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô; phối hợp với các đô thị lớn để kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, kiểm soát tầng cao, mật độ dân số.

Ngoài ra, với vấn đề cải tạo các chung cư cũ hiện tiến triển chậm chạm, chưa có lối ra, Phó Thủ tướng đòi hỏi Bộ Xây dựng đôn đốc, đẩy nhanh công việc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

P.Thảo