1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Singapore sôi động chiến dịch giáo dục kỹ năng ứng xử

(Dân trí) - Không nhổ nước bọt bừa bãi. Vứt rác vào thùng. Đi tiểu đúng chỗ. Nói năng lịch sự... Singapore đang sôi động với các chiến dịch giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ nhỏ trong nỗ lực triệt tiêu những thói quen cũ đáng buồn.

Singapore sôi động chiến dịch giáo dục kỹ năng ứng xử - 1
 
Ethel Tan, 6 tuổi, tại lớp dạy giao tiếp cho trẻ em
 
Các bậc phụ huynh rất ủng hộ chính phủ trong chiến dịch này.

Các lớp dạy giao tiếp với chi phí không hề thấp nhằm biến những cô - cậu bé thành những quý ông và quý cô thanh lịch trong tương lai đang trở nên quen thuộc với người dân Singapore, những người không bằng lòng với các lớp học ba lê và piano truyền thống cho con em mình. “Tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để dạy trẻ trong bối cảnh những thói quen xấu đang phát triển và những kỹ năng này sẽ theo chúng trong cả cuộc đời”, Eunice Tan, một người hướng dẫn và là cố vấn tại một cơ quan đào tạo kỹ năng hiện đại của Singapore nói.

Tan cho biết “làm ơn” là từ đầu tiên cô con gái Ethel, giờ đã 6 tuổi, của chị nói khi cô bé mới 1 tuổi. “Những kỹ năng các em học trong các lớp dạy giao tiếp, ứng xử với xã hội sẽ theo các em khi các em trưởng thành và sẽ ảnh hưởng đến các em trong mọi lĩnh vực cuộc sống”, chị nói.

Sau khi đạt được những tiến bộ về kinh tế, Singapore trở thành một trong những xã hội giàu nhất thế giới chỉ trong một thập kỷ. Nhưng các nhà phê bình và các quan chức chính phủ thừa nhận người dân Singapore vẫn chưa bắt kịp phép xã giao. Chính phủ đã phát động chiến dịch khuyến khích người dân thể hiện những hành động ân cần, dù nhỏ, trong cuộc sống hàng ngày.

“Tôi thấy nhiều lợi ích qua việc này”, Jonathan Goh, một giáo sư tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore nói. Ông cho rằng những trẻ em hiểu biết các phép tắc ứng xử sẽ có những lợi thế đặc biệt khi vào đời.

Trong kỳ nghỉ hè kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua, các lớp dạy ứng xử cho trẻ nhỏ không hề rẻ, với khoảng từ 30 đến 48 đôla Singapore một giờ (khoảng 22 đến 35 USD). Nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con tham gia.

Tan, người dạy nhiều lớp học sinh theo học môn này, nói chị phải mở thêm những lớp mới trong suốt tháng 6 vì các lớp khác đã kín chỗ. Thực tế này khác xa với không khí im ắng của công ty chị 4 năm trước đây.

Các bài học được chia thành 3 phần, trong đó lớp bé nhất cho trẻ dưới 3 tuổi, dạy trẻ cách chào người lớn. Cấp thứ hai là dạy cách tiếp chuyện qua điện thoại, kỹ năng kiềm chế tức giận và khóa cao cấp nhất là truyền đạt các giá trị như tính trung thực và tinh thần chịu trách nhiệm từng bước một.

“Sau các khóa học, trẻ em hăm hở thể hiện kỹ năng giao tiếp mới trước cha mẹ, gia đình và bè bạn, khoan dung với chị em ruột và yêu thương các vật nuôi”, Tan nói. “Đó là kết quả rõ ràng và đáng mừng mà chúng tôi thu được”.

Nhưng không phải cha mẹ nào cũng chú ý đến mặt giao tiếp của trẻ. Không ít bậc phụ huynh quên mất khía cạnh kỹ năng giao tiếp của con do quá chú trọng đến phát hiện các kỹ năng âm nhạc hay hội họa của trẻ.

“Các bậc cha mẹ thường chạy đua với chính mình để buộc con mình phải thu được những thành tích trong học tập. Những kỹ năng giao tiếp cơ bản của con người đã bị xem nhẹ, thậm chí nhiều gia đình còn phó thác khía cạnh giáo dục quan trọng này cho người làm. Đó là điều không tốt”, Tan nói.

Việt Hà