Phóng viên Asian Cup tại Việt Nam: Những cái nhất

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - 641 phóng viên, nhà báo thể thao khắp châu lục đã “đổ bộ” xuống Hà Nội trong dịp Asian Cup. Mỗi người mang một vẻ riêng nhưng nhìn toàn cục lại thấy những cái chung rất đáng yêu.</P>

PV Nhật Bản: Rộn ràng nhất

 

Với khoảng 160 người, đoàn PV Nhật Bản là lực lượng “ngoại binh” đông nhất tác nghiệp tại Việt Nam. Bàn về cái sự hiện đại và chuyên nghiệp của họ có lẽ hơi thừa, nhưng có một điểm khiến báo giới Nhật Bản trở nên nổi bật: họ nói rất to và rất nhiều.

 

Từ sân tập, khán đài cho đến trung tâm báo chí, đâu đâu cũng thấy PV Nhật Bản. Họ hơi “lạnh nhạt” với người ngoài nhưng khi gặp nhau, thường trò chuyện rất thân mật với “volume” rất to.

 

Cảnh PV Nhật Bản túm năm tụm ba nói chuyện, cười đùa rất dễ thấy nhưng họ nói gì thì chẳng ai hiểu nổi. Chỉ có điều, trong những lúc nhàn rỗi, nhìn họ nói chuyện mà rất nhiều PV khác cũng muốn nhảy vào… nói cùng cho vui. Chỉ tiếc là người Nhật toàn xài tiếng Nhật nên muốn tiếp chuỵện cũng khó.

 

Có lẽ PV được nhiều đấng mày râu chú ý nhất là người đẹp Yamagishi của đài Asahi. Cô trẻ, xinh và nói năng rất có duyên khiến ai đi qua cũng phải liếc lấy vài cái cho đỡ… tiếc. Giới “phó nháy” cũng tranh thủ bấm lấy bấm để đôi ba kiểu để làm kỷ niệm vì mấy khi được gặp một đồng nghiệp yêu kiều đến thế. Có những PV “đánh liều” tới làm quen, nói dăm điều ba chuyện không đâu vào đâu nhưng mắt cứ cười tít ra chiều sung sướng lắm.

 

PV Tây Á: Cá tính nhất

 

Nhìn chung, các PV đến từ UAE, Qatar… đều rất thân thiện và cởi mở. Họ sẵn sàng làm quen với bất kỳ ai và không tiếc nụ cười với bất kỳ ai. Chính vì họ thường xuyên cười nên nếu để ý, dẽ thấy tất cả các PV đến từ Tây Á đều có… hàm răng cực trắng.

 

Nhưng điểm làm họ nổi bật nhất chính là cá tính mạnh. Trước mỗi trận đấu, hầu hết các PV này đều mang cờ tổ quốc giơ cao quá đầu và hát quốc ca rất hùng dũng. Khi đội nhà bị Việt Nam “ăn” tới 2 bàn, các PV này ngồi đập bàn rầm rầm, càu nhàu rõ to nhưng mỗi khi gặp đồng nghiệp Việt Nam, họ cười…méo xệch và nói thật: “Vietnam, good, good!”.

 

Tương tự, các PV Qatar tác nghiệp trên sân cũng chẳng e ngại bộc lộ cá tính của mình. Mỗi khi cầu thủ nhà bị đốn ngã hoặc dính thẻ, họ nhất loạt đứng lên chỉ về phía trọng tài phản ứng quyết liệt.

 

Thậm chí, trong tình huống bóng dội xà ngang ĐTVN, các PV này đều nhất loạt phản đối trọng tài vì cho rằng bóng đã… vào lưới. Mãi khi xem xong 2 lượt quay chậm trên truyền hình mới chịu thôi.

 

PV Việt Nam: Khổ nhất!

 

Có tiếp xúc với báo chí châu lục mới thấy điều kiện tác nghiệp của báo giới VN còn thiếu thốn quá. Nhìn bộ đồ nghề đồ sộ của đồng nghiệp Nhật Bản, mấy PV chủ nhà cứ hỏi nhau: cái này là cái gì nhỉ?. Một PV ảnh vốn tự hào với chiếc máy ảnh và ống tele thuộc top “hàng khủng” ở VN chép miệng thở thượt: đến bao giờ mình có cái ống này mà “phang” cho sướng nhỉ.

 

Nhưng đó không phải là cái khổ nhất. Còn nhiều nhiều cái khổ do con người tạo ra khiến PV Việt Nam nai lưng ra mà chịu. Đơn cử chuyện phương tiện. Hầu hết các PV VN đều đi xe máy nên bị bắt gửi xe cách sân cả cây số. Giới PV viết thì nhẹ nhàng, chứ dân chụp ảnh thì đến khốn khổ khi phải mang vác trên lưng nào máy, ống, chân, ghế, laptop… đến trẹo cả vai. PV nước ngoài thì cứ thế thuê ôtô đi chung nên được phép “dong” thẳng xe vào tận sân không phải nghĩ ngợi gì.

 

Vào phòng họp báo còn khổ nữa. Gặp người nói tiếng Anh như HLV Riedl “nhà ta” thì còn đỡ, chứ gặp phải người Pháp Metsu hay người Bosnia Osim thì coi như bỏ cuộc. Thời gian họp báo thì hạn hẹp, mà nào tiếng Pháp, nào tiếng Bosnia, rồi nào tiếng Nhật của phiên dịch người Nhật, tiếng A-rập của phiên dịch A-rập nghe đến lùng bùng cả tai mà vẫn chẳng hiểu các HLV nói gì.

 

Có cô phiên dịch người Việt thì câu được câu mất, sau bị cười nhiều quá nên mất tự tin, “ngậm tăm” luôn. Thế là ai nghe gì được thì nghe, không thì quây lại hỏi nhau. Vì thế, nhiều PV biết là quy định nhưng vẫn trách: “Cái gì tiện cho BTC thì họ lôi hết quy định nọ đến nội quy kia ra để bảo vệ, còn cái gì thuộc về quyền lợi của anh em thì mặc kệ”.

 

Hào Hoa