V-League - Nửa đường nhìn lại:

Mạn đàm chuyện Quân tử - Tiểu nhân

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Bản thân cặp phạm trù Quân tử - Tiểu nhân đã thiếu cái ranh giới rạch ròi và luôn trong trạng thái động. Nhưng cứ tạm mượn nó đem đặt vào nền bóng quá độ nhá nhem của xứ sở hình chữ S này mà luận thì cũng ra ối việc phải ngẫm.</P>

1. Nội hàm của khái niệm Quân tử - Tiểu nhân dĩ lẽ không bất biến. Nó khởi thuỷ từ Nho giáo và dùng để phân chia con người trong xã hội ra làm 2 tầng lớp. Có người nói cặp phạm trù này do Khổng Tử (thế kỷ 6 - 5 TCN) đặt tên, nhưng cũng có sách ghi rằng cách phân tầng xã hội này xuất hiện từ giữa đời Chu bên Trung Quốc, khi Khổng Tử còn chưa có. Người viết bài này vốn Nho học còn nghèo nên chẳng dám ủng ai, phản ai trong cuộc tranh luận này. Chỉ xin cóp nhặt dăm điều ba chuyện từ cổ thư phàm mua vui cho bạn đọc “một vài trống canh”.

 

Từ đời Chu cho đến Chiến quốc, từ Quân tử được dùng để chỉ lớp đại phu, quý tộc. Những tầng lớp khác trong xã hội - từ bần nông cho đến dân buôn và quan lại hàm phẩm thấp - đều là Tiểu nhân. Từ “Tiểu nhân” hay “dã nhân” luôn ăn sâu trong tâm thức những người tầng lớp dưới, nên như quý vị hay xem phim Tàu đều thấy dân thường hay quan nhỏ gặp vua chúa, quan lớn đều tự xưng là Tiểu nhân. Nói như vậy, Quân tử - Tiểu nhân chỉ là phép định danh theo địa vị xã hội, cũng giống như cụm từ đang “hot” hiện nay là “đại gia” để phân biệt với “thứ dân” bình bình cơm ngày hai bữa.

 

Nhưng sinh thời, Khổng Tử đã mở rộng khái niệm đó thành những chuẩn mực để con người ta tu thân và hành đạo. Trong đại thư Luận ngữ, Khổng Tử dạy: “Quân tử tinh tường điều nghĩa, tiểu nhân tinh tường cái lợi”. Theo Khổng giáo, phàm là người Quân tử phải thấu Tam cương, Ngũ Thường trong việc tu thân và biết tề gia, trị quốc, bình thiên hạ trong đường hành đạo. Trong con mắt Khổng Tử, kẻ có Đức mà không phò vua trị nước cũng là thứ Tiểu nhân, kẻ có hàm có phẩm mà không có Đức cũng là thứ Tiểu nhân cả.

 

Cũng hơn 2.500 năm từ ngày đức Khổng Tử quy tiên, cặp phạm trù Quân tử - Tiểu nhân vẫn còn được dùng rộng rãi lắm. Chỉ có điều, thời thế đã thay đổi nhiều và ngày nay tiểu nhân vỗ ngực xưng Quân tử cũng nhiều. Cái thứ đó gọi là nguỵ quân tử. Chẳng hiểu do cái cách phân biệt của Nho giáo quá cực đoan hay chuẩn mực đạo đức xã hội không được rõ ràng như thời Khổng Tử nhưng nay ai bị gọi là Tiểu nhân thì cay cú lắm. Nay Tiểu nhân được hiểu là hèn mạt, là lươn lẹo, xảo quyệt mà.

 

2. Cái giải V-League ngụy chuyên nghiệp năm nay đã đi được nửa đường, một nửa con đường với nhiều ổ gà, lỗ thủng và cả những đường ngang, lối tắt. Một nửa con đường qua đi trong cảnh nhá nhem mà trong đó gam màu tối át gam màu sáng.

 

V-League năm nay có thật nhiều tiền. Từ khoản 12 tỷ đồng tài trợ (dù đã bị cái bản hợp đồng giữa VFF và công ty mà VFF có cổ phần cắt đi 4 tỷ) đến những khoản tiền lương, tiền thưởng chất cao như núi mà các đội bóng dù giàu dù nghèo đều cắn răng bỏ ra. Khi có lấn cấn về tiền thì cũng là khi nội tình bung bét vì chia rẽ. Cứ theo đức Khổng Tử, những kẻ “tường cái lợi” chắc chắn chẳng phải bậc Quân tử.

 

Ở V-League vẫn còn không ít kẻ vì cái tình thời bao cấp mà giang tay cứu giúp bạn đồng hành khi khốn khó, biến nhiều trận cầu thành vở diễn. Lại có kẻ “gắp lửa bỏ tay người” giỏi đổ lỗi cho người khác để đánh lạc hướng người đời, che đi những cái ung nhọt trong nội bộ.

 

Lại có phường chưa qua cầu đã toan rút ván, lừa trên dối dưới xem quyền lợi và cái tôi của mình to hơn quyền lợi tập thể, khiến lòng người ly tán mỗi người nhìn về một phương. Có kẻ còn to gan hơn, lấy oán trả ân hòng đâm sau lưng người thầy chăm bẵm mình từ thời còn tấm bé khiến chuyện nhà không yên ấm.

 

Cũng có người ăn trên ngồi trước, luôn miệng kêu thượng tôn cái lý nhưng luôn biết cách gỡ rối tròn vo và xuê xoa sao cho yên mình, yên ta mà không màng đến đại cục. Có người được gọi là Bao Công nhưng tiền hậu bất nhất, nói lời rồi lại rút lời bởi lúc nói thì nói cho sướng miệng còn lúc làm thì còn cấn trên, cá dưới nên đành thuận theo số đông (dù số đông không đúng).

 

Đó là chưa nói đến người gọi là “vua của các ông vua” nhưng lấy thù riêng để giải quyết việc chung, khiến người có tài có đức không có đất dụng võ. Cũng người đó vì tình phụ tử mà đẩy cậu ấm nhà mình vào “nghề làm vua” để chuốc lấy thị phi.

 

Cũng có kẻ có tài mà thiếu đức, sẵn sàng dùng mọi thứ mánh khoé chợ cá để được việc mình, ngược lại có người có đức thì quá nhu nhược không nắm được lòng quân nên nội tình bung bét và giấc mộng “đại gia” vì thế mà tan thành mây khói.

 

Gọi đó là hành vi tiểu nhân thực tôi không dám, nhưng cứ theo chuẩn mực của đức Khổng Tử thì chắc chắn đó chẳng phải là việc làm của người Quân tử.

 

Tiếc là trong nền bóng này, chủ nhân của những việc làm không quân tử đó vẫn còn rất thịnh và có thể còn thịnh dài dài.

 

Tại sao? Tại thuyết quân tử đã lạc thời, tại cái cơ chế nguỵ chuyên nghiệp giúp người không-quân-tử có chốn vẫy vùng hay đơn giản tại nếu ai cũng là quân tử thì lấy đâu ra “kẻ tiểu nhân nuôi người quân tử”?

 

Biết mà mạn đàm, nhưng càng đàm thì càng mạn. Thôi đành gác bút, có gì thất Lễ xin những người quân tử vì Nghĩa mà bỏ quá cho.

Đàm Võ