Giải U21 báo Thanh Niên

“Hội chứng” rệu rã hậu V - League!

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Loạt khởi động của VCK U21 báo Thanh Niên đã kết thúc và không khó nhận ra những bất ngờ nối tiếp nhau khi các “ông lớn” đều gây thất vọng. Và sự thất vọng đó có sự đóng góp không nhỏ của những… niềm hy vọng.</P>

Không hy vọng thì làm sao SHB Đà Nẵng phải nhờ quan hệ kinh doanh “trong nhà” để kéo Phúc Hiệp, Long Giang về đá thuê. Không hy vọng ắt chủ nhà B.Bình Định cũng chẳng mất công cầu cạnh HA.GL và SLNA để mượn cho bằng được Tăng Tuấn, Trọng Hoàng và Đình Hiệp.

 

ĐKVĐ K.Khánh Hòa cũng phải điện đường dài tận Thanh Hóa để “tuyển” Đình Tùng, CLB TP.HCM mượn lại cựu cầu thủ của mình là Văn Khải từ ĐT.LA. “Nghèo” như H.Huế cũng cắn răng đưa được Quang Tình về đầu quân trong mấy tháng “giáp hạt”.

 

Trước giờ vào giải, nhiều người đánh giá năm nay chiếc Cup U21 chỉ là cuộc chơi của 4 đội: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nam Định và Bình Định. Nhưng Bình Định bị “kèo dưới” An Giang cho lấm lưng, Đà Nẵng cũng không ghi nổi một bàn vào lưới tân binh Đồng Nai non yếu. Khánh Hòa cũng đánh rơi mất trận thắng dù đã dẫn tới phút 90+3. Tệ hại hơn, Nam Định bị CLB TP.HCM “quần” cho tơi bời và phơi áo sớm.

 

Một sự thật khó chối cãi là những cái tên đáng giá nhất lại là những người chơi tệ nhất trong loạt “rô-đa”. Quang Tình, Trọng Hoàng… lạc lõng như những cái bóng của mình ở tuyến giữa, Tăng Tuấn, Phúc Hiệp “cô đơn” trên hàng công vì không hiểu lối đá của “đồng đội”. Tệ h ơn, Đình Hiệp còn lĩnh thẻ đỏ vì pha vào bóng ác ý, kết quả của sự ức chế.

 

“Lính đánh thuê” lạc lõng còn dễ hiểu, nhưng ngay cả những trụ cột của đội, vốn được rèn giũa qua mùa V-League cũng đánh mất mình đến thảm hại. Có thể kể ra đây Thành Tài, Thanh Sang (B.BĐ), Thanh Hưng, Nguyên Sa (ĐN) và gần như toàn đội Nam Định, vốn toàn tên tuổi chơi V-League.

 

Một cầu thủ đã tâm sự rất thật rằng với tần suất thi đấu của V-League và quỹ thời gian ngắn ngủi để “xả ì”, những cầu thủ trẻ vừa kết thúc mùa giải V-League đã rất mệt và cần nghỉ ngơi để “tái sản xuất” hứng thú và sức lực với trái bóng.

 

Nhưng hiềm nỗi, nếu không đá giải U21 thì không được chọn vào đội tuyển trẻ dự giải U21 quốc tế, và cánh cửa tới đội U22 dự giải TP.HCM cũng hẹp đi nhiều. Với tần suất thi đấu 2 ngày/trận của giải U21, rồi ngay sau đó là giải quốc tế, chỉ e có vào được đến đội U22 thì những cầu thủ tuổi đôi mươi này cũng kiệt quệ.

 

Nhìn từ góc tích cực, có thể giải U21 lần này sẽ là cơ hội phát tác của những cầu thủ trẻ vốn chỉ quen chân dự bị ở đội 1 hoặc chỉ được thể hiện mình trong cái ao nhỏ hạng Nhất. Và nếu điều đó thành hiện thực cũng có nghĩa các nhà tuyển trạch đội U22 có thêm nhiều tùy chọn trong cuộc sàng lọc sắp tới tại TP.HCM.

 

Nhưng có một điều không thể xem nhẹ, là việc bảo vệ và tiếp tục rèn giũa những đôi chân tiềm năng đã ít nhiều khẳng định được mình.

 

Bởi ở Việt Nam, khó có người như David Moyes, biết dùng Wayne Rooney như một phương án xoay vòng để duy trì nhịp độ phát triển của một thần đồng. Ở Việt Nam, thực trạng rõ nét nhất là hễ có cầu thủ trẻ nào đá được ở đội 1, anh ta sẽ phải “cày ải” hết mình vì đơn giản là đội bóng cần thành tích và không có lực lượng bổ sung để xoay vòng.

 

Nên cái “hội chứng” rệu rã hậu V-League của những đôi chân trẻ ở giải U21 là một điều mà các nhà cầm quân cần để tâm.

 

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm